Đứng ở vai trò Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, ông Trần Quốc Tuấn cho rằng việc hợp nhất ba tỉnh cũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh thành tỉnh mới Vĩnh Long mở ra không gian phát triển rất lớn, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về tái cấu trúc ngành hàng, liên kết vùng và đặc biệt là xanh hóa toàn diện quá trình sản xuất tiêu dùng.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Nhất là với ngành hàng nông sản chủ lực, theo ông Tuấn, cần chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang tiếp cận tiêu chuẩn - xanh hóa, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
![]() |
Không gian phát triển mới sau sáp nhập tỉnh thành đang mở ra cơ hội tái cấu trúc cho nhóm ngành hàng nông sản chủ lực nhằm thích ứng bối cảnh mới và giữ vị thế cạnh tranh. |
Và để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông sản, vị giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết đang và sẽ triển khai tái cấu trúc ngành hàng nhằm thích ứng không gian phát triển mới. Bên cạnh đó là hành động theo ESG (tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị), nếu không làm sẽ khó cạnh tranh, cơ quan quản lý sẽ đồng hành với DN chứ không thể nói chung chung.
Mặt khác, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đến việc xanh hóa sản xuất, xây dựng cụm công nghiệp chuyên ngành hay sinh thái. Đồng thời cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu – ứng dụng khoa học công nghệ với DN, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Ngoài chia sẻ nêu trên, xét về việc tái cấu trúc ngành hàng nông sản chủ lực để thích ứng không gian phát triển mới có thể kể đến ngành dừa (cây dừa đã được công nhận là cây công nghiệp chủ lực quốc gia). Như với tỉnh Vĩnh Long trong bối cảnh mới sau sáp nhập có diện tích dừa trên 120.000 ha, chiếm khoảng 70% diện tích dừa của vùng ĐBSCL.
Trước không gian mới cho ngành dừa như vậy, là một DN hàng đầu về xuất khẩu dừa, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Dừa Bến Tre, nói rằng bản thân công ty rất quan tâm đến tiêu chuẩn ESG. Bởi vì đây là xu hướng tất yếu trong sản xuất, đặc biệt là ngành dừa.
“Để tiếp cận ESG, chúng ta cần thay đổi tư duy từ “cần cù bù thông minh” sang “tư duy đổi mới”. Đồng thời, cần thay đổi hành vi và thói quen canh tác dừa từ truyền thống sang thân thiện môi trường- ít sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu – tiến tới sản xuất, chế biến thân thiện môi trường, phát triển bền vững”, ông Đức chia sẻ.
Để ngành dừa góp phần thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh không gian tỉnh mới, vị chủ DN này cũng đề xuất cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Về phía hiệp hội ngành hàng dừa nên hỗ trợ DN xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, đầu tư công nghệ, chứng nhận quốc tế như Organic, Fairtrade, Biocert, CIFEX, Halal…Qua đó vừa đẩy ngành hàng dừa đi tới vừa kéo cộng đồng tham gia các mô hình tăng trưởng khác như dịch vụ logistics, du lịch cộng đồng…
Hoặc như ở ngành hàng lúa gạo, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Phước Thành IV, chỉ rõ mô hình canh tác lúa – tôm là một giải pháp bền vững và thích ứng hiệu quả trước biến đổi khí hậu tại các tỉnh ven biển ĐBSCL với không gian phát triển mới sau sáp nhập. Chính vì vậy, Chính phủ cần cập nhật tình hình phát triển gạo lúa – tôm, hỗ trợ sản xuất và đưa mô hình này vào các đề án phát triển nông nghiệp trọng điểm.
Ông Thành khẳng định hiệu quả kinh tế của mô hình lúa – tôm là rất rõ rệt. Mô hình này không chỉ cải tạo đất, trừ sâu hại mà còn tối ưu hóa nguồn dinh dưỡng tự nhiên, giảm tới 70-80% nhu cầu sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
Vị giám đốc này dẫn chứng nhờ mô hình lúa - tôm mà tại Bến Tre (cũ) thu nhập hộ gia đình tăng 50-120 triệu đồng; Trà Vinh (cũ) đạt lợi nhuận 132 triệu đồng/ha/vụ lúa; Bạc Liêu (cũ) mang lại 50-60 triệu đồng/ha/năm; Cà Mau (cũ) đạt 100-120 triệu đồng/năm. Đặc biệt, giá lúa trồng trong mô hình lúa – tôm cao hơn 1,7 lần so với giá thị trường và tôm nuôi có giá cao hơn đáng kể so với tôm nuôi công nghiệp.
Cần vượt qua các “điểm nghẽn”
Theo ông Nguyễn Văn Thành, các tỉnh ven biển sau sáp nhập ở ĐBSCL cần xác định vùng sản xuất theo mô hình lúa – tôm phù hợp để cung cấp cho thị trường và xây dựng thương hiệu riêng cho vùng trồng.
Hơn thế nữa, mô hình lúa – tôm còn đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với xâm nhập mặn. Điển hình như gạo ST25 theo mô hình lúa - tôm không chỉ thơm ngon, mềm dẻo mà còn được đánh giá cao về chất lượng và độ an toàn do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
Riêng với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, để đón đầu cơ hội sau sáp nhập tỉnh thành đang đòi hỏi các nông dân và DN tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chủ lực.
Thực tế cho thấy với mỗi tỉnh ven biển sau sáp nhập là một mảnh ghép trong ngành thủy sản, đang phụ thuộc vào cách địa phương tận dụng cơ hội và vượt thách thức.
Chẳng hạn Khánh Hòa (hợp nhất Ninh Thuận), việc nuôi trồng thủy sản ven biển 2025 phát triển với lồng HDPE và AI giám sát dịch bệnh tại Vịnh Vân Phong, nhưng cần quy hoạch để tránh ô nhiễm. Hay như Cà Mau (hợp nhất Bạc Liêu) sẽ giúp tăng đầu tư nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, và rong biển, nhưng phải cải thiện xử lý nước thải để hỗ trợ quản lý thủy sản bền vững 2025.
Giới chuyên gia cho rằng trong không gian phát triển mới sau sáp nhập tỉnh thành đang đòi hỏi các ngành hàng nông sản chủ lực nên thích ứng, tận dụng cơ hội từ những cuộc “sáp nhập địa giới” – cả trong hành chính lẫn trong nông nghiệp, để từ đó tái cấu trúc sao cho phù hợp.
Như với tỉnh Đồng Nai mới sau sáp nhập từ hai tỉnh cũ ở vùng Đông Nam Bộ là Bình Phước và Đồng Nai, tiếp tục khẳng định là “thủ phủ” trồng các loại cây công nghiệp chủ lực của cả nước. Địa phương này đã hình thành được các vùng chuyên canh lớn những công nghiệp chủ lực như: cao su, điều, hồ tiêu, cà phê... cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Tuy vậy, “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là phần lớn lượng nông sản ở tỉnh Đồng Nai (mới) vẫn xuất thô hoặc sơ chế đơn giản. Cà phê và điều là hai mặt hàng hiếm hoi có tỉ lệ chế biến sâu tương đối cao, còn lại xoài, sầu riêng, chuối, tiêu… chủ yếu xuất khẩu ở dạng tươi, không thương hiệu, không giá trị gia tăng.
Chính vì vậy, các ngành hàng nông sản chủ lực ở địa phương này cần vượt qua “điểm nghẽn” bằng cách tái cấu trúc toàn diện theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Chẳng hạn, nếu phát triển chế biến sâu đúng hướng, giá trị xuất khẩu nông sản ở đây có thể tăng 1,5 – 2 lần.
Thế Vinh