Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/7, giá vàng miếng “đứng yên” sát 123 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu SJC, DOJI, PNJ hiện niêm yết ở mức 120,7 -122,7 triệu đồng/lượng. Riêng chiều mua vào của Phú Quý thấp hơn các thương hiệu khác 500.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn một số thương hiệu cũng không ghi nhận biến động. Cụ thể, PNJ niêm yết ở mức 115,5 – 118 triệu đồng/lượng; DOJI neo ở ngưỡng 117 – 119,5 triệu đồng/lượng; SJC giao dịch ở mức 115,5 – 118 triệu đồng/lượng. Riêng Phú Quý giảm 400.000 đồng chiều mua và bán xuống 115,8 – 118,8 triệu đồng/lượng;
![]() |
Phú Quý điều chỉnh giảm giá vàng nhẫn. |
Trên thế giới, giá vàng quốc tế (XAU) hôm nay là 3.392,35 USD/ounce (cập nhật lúc 08:00:51 24/07/2025), giảm 1,09% trong 24 giờ qua, tương ứng với giảm 37,51 USD/ounce.
Áp lực chốt lời mạnh mẽ từ các nhà đầu tư sau chuỗi tăng giá liên tiếp cùng tâm lý ưa rủi ro trên thị trường được cải thiện đáng kể, khiến các tài sản an toàn như vàng chịu áp lực giảm giá mạnh, rời khỏi mốc 3.400 USD/ounce.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm của giá vàng còn diễn ra trong bối cảnh thị trường đón nhận thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Hai quốc gia này công bố đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, trong đó Mỹ sẽ áp thuế 15% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, bao gồm ô tô và các sản phẩm công nghiệp khác. Đổi lại, Nhật Bản cam kết thành lập một quỹ đầu tư trị giá 550 tỷ USD vào các dự án tại Mỹ, tập trung vào cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay, và sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm cho cả hai quốc gia. Thỏa thuận này đã ngay lập tức làm tăng khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư, đẩy mạnh dòng tiền vào cổ phiếu, khiến giá vàng hôm này kém hấp dẫn.
Ngoài thỏa thuận thương mại, chỉ số đô la Mỹ (USD Index) tăng nhẹ, tạo thêm áp lực lên giá vàng, vốn được định giá bằng USD. Khi đồng USD mạnh lên, vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thông báo, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Stockholm, Thụy Điển vào tuần tới để thảo luận về việc gia hạn thời hạn đàm phán thỏa thuận thương mại.
Ông Tim Waterer, Trưởng phòng Phân tích thị trường của Công ty Dịch vụ tài chính CM Trade nhận định rằng, nếu có thêm các thỏa thuận thương mại được ký kết trước ngày 1/8, điều này có thể tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về các tài sản rủi ro và làm giảm nhu cầu đối với vàng. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục chịu áp lực, việc vàng quay trở lại mốc 3.500 USD/ounce vẫn là một triển vọng khả thi trong ngắn hạn.
Còn ông Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets cho biết, ông giữ quan điểm tích cực với vàng khi những bất ổn tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cộng hưởng với tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp trên các thị trường tài chính. Theo đó, nếu căng thẳng chính trị leo thang và Fed chịu thêm áp lực từ Nhà Trắng thì sẽ có biến động mạnh hơn trên thị trường.
Châu Giang