Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/7, giá vàng miếng biến động không đồng nhất giữa các thương hiệu. Cụ thể, PNJ và DOJI tăng thêm 200.000 đồng cả 2 chiều lên 119,7 – 121,2 triệu đồng/lượng, SJC, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý đi ngang lần lượt ở mức 119,7 – 121,2 triệu đồng/lượng; 119,5 – 121 triệu đồng/lượng và 118,7 – 121 triệu đồng/lượng.
Với mức giá hiện tại cùng mức chênh lệch bán ra – mua vào là 1,5 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng ghi nhận mức giảm 500.000 triệu đồng/lượng chiều bán ra, và nhà đầu tư lỗ đậm 2 triệu đồng/lượng sau một tuần.
![]() |
Vàng miếng giao dịch quanh 121 triệu đồng/lượng. |
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn một số thương hiệu điều chỉnh tăng nhẹ.Cụ thể, Phú Quý tăng 100.000 đồng chiều mua và bán lên mức 114,9 - 117,9 triệu đồng/lượng; DOJI tăng 200.000 đồng cả 2 chiều, giao dịch ở ngưỡng 116,1 - 118,6 triệu đồng/lượng; Phú Quý mua bán ở; PNJ và SJC đều đi ngang ở mức 114,2 – 116,7 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng quốc tế (XAU) hôm nay là 3.352,63 USD (cập nhật lúc 08:00:41 21/07/2025), tăng 0,03% trong 24 giờ qua, tương ứng với tăng 1,15 USD/Ounce.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong bối cảnh đồng USD yếu, bất ổn địa chính trị và kinh tế dai dẳng, thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý an toàn này.
Edward Meir, một nhà phân tích tại Marex, cho biết: “Trên thị trường kim loại quý, mức tăng diễn ra trên diện rộng, nhờ đồng USD yếu”. Đồng USD giảm 0,3%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Theo trang mạng bdor.fr, đồng USD - vốn bị suy yếu bởi những tuyên bố thận trọng của Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller đang góp phần hỗ trợ cho vàng. Sự can thiệp của vị quan chức Fed, ủng hộ việc nới lỏng lãi suất ngay từ tháng 7 do thị trường lao động suy yếu, đã làm giảm bớt sự nhiệt tình của những người mua đồng USD.
Cùng với đó là bầu không khí bất ổn được củng cố bởi các biện pháp thương mại mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố. Tổng thống Trump đã xác nhận mức thuế 50% đối với đồng nhập khẩu, đồng thời cảnh báo hơn 150 quốc gia về việc sắp sửa điều chỉnh thuế quan. Những quyết định này làm dấy lên lo ngại về mất cân bằng kinh tế toàn cầu, vốn tiếp tục ủng hộ vàng như một kênh trú ẩn an toàn, mà không tạo ra một đợt tăng giá rõ ràng.
Hiện tại, giá vàng vẫn giữ vững ở vùng cao, song giới chuyên gia nhận định động lực chính cho xu hướng này không còn đến từ các yếu tố địa chính trị hay kinh tế, mà chủ yếu do căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Ông Sean Lusk, Giám đốc công ty tư vấn đầu tư Walsh Trading cho rằng, giá vàng thực chất đã sẵn sàng cho một đợt điều chỉnh giảm. “Hiện chưa có đủ động lực để đẩy giá vàng lên cao hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang khá ổn định và không còn phản ứng mạnh với các thông tin cũ”, ông Lusk nhận định. Theo ông, trừ khi xuất hiện cú hích mới từ chính sách hoặc địa chính trị, giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng giá hiện tại, thay vì xác lập một xu hướng tăng rõ ràng.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu kinh tế vĩ mô sắp tới, bao gồm Chỉ số niềm tin người tiêu dùng được Viện Nghiên cứu xã hội của Đại học Michigan công bố hằng tháng. Chỉ số này có thể ảnh hưởng đến động lực thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, quyết định tiếp theo của Fed, dự kiến vào cuối tháng, sẽ định hướng rõ ràng cho giá vàng. Nếu không có bất kỳ biến động lớn nào, giá vàng có thể tiếp tục dao động trong khoảng từ 3.300 đến 3.365 USD/ounce trong các phiên tới.
Châu Giang