Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) sẽ phải chịu thuế. Điều kiện áp dụng là mua bán thực hiện trên sàn giao dịch có quản lý minh bạch, công khai về giá và có tần suất thường xuyên.
Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự đang áp dụng với chứng khoán.
Theo báo cáo của Triple-A năm 2024, hơn 20% dân số Việt Nam sở hữu tài sản số (crypto). Việt Nam cũng nằm trong nhóm ba quốc gia đứng đầu về chỉ số chấp nhận crypto theo dữ liệu của công ty phân tích Chainalysis, với mức độ phổ cập cao gấp 3-4 lần so với trung bình toàn cầu.
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất mua bán tài sản số có thể bị áp thuế như chứng khoán. |
Trước đây, hoạt động giao dịch, sở hữu tài sản số chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Song, Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội ban hành trong tháng 6/2025 và có hiệu lực từ 1/1/2026, lần đầu quy định tài sản số là tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành. Đây cũng là cơ sở để cơ quan thuế áp dụng chính sách thuế tương ứng.
Trước đó, theo đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), khi tài sản số được kinh doanh, mua bán như một loại tài sản thì nhà chức trách sẽ thu thuế theo quy định. Các loại thuế có thể được tính toán thu gồm giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân...
Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 vào đầu tháng 7, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh rằng Việt Nam đang sở hữu tiềm năng lớn trong lĩnh vực tài sản số, với khoảng 17 triệu tài khoản đầu tư crypto, tương đương 17-20% dân số, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu khoảng 6%. Năm 2022, giá trị giao dịch tài sản số tại Việt Nam đạt khoảng 120 tỷ USD, đưa nước ta vào nhóm quốc gia có hoạt động sôi động nhất thế giới.
Tuy nhiên, khoảng 80% giao dịch vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế như Binance, khiến thị trường rơi vào "vùng xám" pháp lý, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư và khó kiểm soát về mặt quản lý nhà nước.
Ông Trung cho rằng, Việt Nam đã đi sau nhiều quốc gia trong việc xây dựng hạ tầng pháp lý và công nghệ blockchain. Trong khi châu Âu đã triển khai hệ thống EBSI tại 27 quốc gia phục vụ dịch vụ công, Trung Quốc xây dựng hạ tầng blockchain quốc gia BSN, thì Việt Nam mới bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên bằng Luật Công nghiệp công nghệ số - luật đầu tiên công nhận tài sản số là tài sản hợp pháp theo pháp luật dân sự.
"Chúng ta không nên tiếp tục để thị trường tài sản số bị nước ngoài khai thác một cách thụ động. Cần có chiến lược cụ thể để tổ chức lại thị trường, phát hành tài sản số được cấp phép, đưa hoạt động huy động vốn vào khuôn khổ quản lý và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư", ông nói.
Ngoài tài sản số, trong lần sửa luật này, Bộ Tài chính cũng đưa một số đối tượng vào nhóm thu nhập khác để áp thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn, thu nhập từ chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam, chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon, trái phiếu xanh. Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng biển số ôtô trúng đấu giá cùng với xe gắn biển số trúng đấu giá cũng phải chịu thuế. Theo đó, mức thuế thu nhập được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 5% - tương đồng với thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại hiện nay). Thu nhập tính thuế là phần vượt trên 10 triệu đồng mà người nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh. |
Huyền Anh