Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 5,11 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu tôm ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với gần 2,14 tỷ USD (tăng 30,4%), trong khi cá tra mang về khoảng 925 triệu USD (tăng 8%).
Đại diện VASEP dự báo trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ chững lại so với tháng 5, tháng 6 do các đơn hàng “tránh thuế” đã được đẩy đi sớm. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đến 1/8 giúp một số doanh nghiệp tranh thủ xuất thêm hàng trong nửa đầu tháng, nhưng tâm lý dè dặt vẫn bao trùm thị trường.
![]() |
DN thủy sản nỗ lực tìm giải pháp gỡ khó, như chế biến sâu, dạng sản phẩm và mở rộng kênh tiêu thụ. |
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký VASEP - nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Chính phủ đã đàm phán và ký kết đang phát huy hiệu quả rõ rệt, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành. Ưu đãi thuế quan, điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi và các cam kết mở cửa thương mại giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng quy mô xuất khẩu.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết, các rào cản về thuế quan, cùng với việc Ủy ban châu Âu (EC) vẫn duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác, đang ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp sản phẩm cũng đặt ra áp lực không nhỏ cho ngành.
Ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - đánh giá, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2025 là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ còn nhiều khó khăn.
Do đó, trong 6 tháng cuối năm, cần có các giải pháp cụ thể, mang tính đột phá để hoàn thành mục tiêu. Một trong những hướng đi quan trọng là thúc đẩy mở cửa lại thị trường Trung Quốc cho sản phẩm tôm hùm bông, nếu thành công sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, thị trường Brazil cũng mở ra cơ hội mới khi chính thức nới quy định hóa lý đối với cá tra và cho phép nhập khẩu cá rô phi Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, trong các kỳ rà soát FTA sắp tới, VASEP kỳ vọng sẽ có thêm các ưu đãi mới, nhất là đối với những mặt hàng chủ lực như tôm và cá ngừ vốn gắn liền với sinh kế của nông dân và ngư dân Việt Nam. Cụ thể, Hiệp hội đề xuất mở thêm hạn ngạch tôm trong FTA với Hàn Quốc và mở rộng hạn ngạch cá ngừ trong FTA với Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, đại diện VASEP khuyến nghị doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu: Đa dạng hóa thị trường: Giảm phụ thuộc vào Mỹ và tận dụng ưu đãi từ các hiệp định như EVFTA, CPTPP...
Được biết, theo chỉ tiêu được giao, ngành thủy sản phải đạt mức tăng trưởng 4,35% trong năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong đó, vấn đề con giống là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả sản xuất. Việc nâng cao chất lượng và chủ động nguồn giống đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Đối với nuôi biển, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kêu gọi các tập đoàn lớn tham gia đầu tư quy mô, hiện đại hóa thiết bị và công nghệ nuôi biển. Song song đó, cần xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các khâu nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ.
Liên quan đến vấn đề IUU, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tại các địa phương, kiên quyết triển khai các giải pháp cần thiết để tiến tới mục tiêu sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” từ EC...
Hồng Hương