Theo VASEP, 3 nhóm vấn đề lớn đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Nhóm thứ nhất là các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo. Một trong những điểm nghẽn là sự thiếu thống nhất trong áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phụ phẩm, phế liệu thủy sản. Cùng một loại sản phẩm nhưng nếu chưa qua gia nhiệt thì được áp thuế 0%, trong khi đã qua gia nhiệt thì bị tính thuế 10%.
Điều này vừa gây khó khăn trong kê khai, hóa đơn, vừa tạo rào cản giao dịch với khách hàng. Do vậy VASEP đề xuất Bộ Tài chính cần có hướng dẫn thống nhất, không phân biệt giữa sản phẩm sơ chế và chế biến, miễn kê khai và tính thuế GTGT đối với phế phẩm chưa chế biến thành sản phẩm khác.
![]() |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị phối hợp liên Bộ để tháo gỡ, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. |
Nhóm thứ hai là những quy định đang tạo gánh nặng chi phí và cản trở quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. VASEP đặc biệt lưu ý các bất cập trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định kích thước khai thác tối thiểu và cấm trộn nguyên liệu nội địa với nguyên liệu nhập khẩu trong cùng lô hàng xuất khẩu. Các quy định này bị cho là không phù hợp thực tiễn và trái thông lệ quốc tế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến và xuất khẩu. VASEP kiến nghị cần sửa đổi nghị định ngay trong tháng 7/2025 để đảm bảo tính linh hoạt cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, khoảng trống pháp lý trong việc xác định ngưỡng phát hiện tối thiểu (MRPL) sau khi Thông tư 28/2019 bị hủy bỏ cũng khiến nhiều sản phẩm không thể tiêu thụ nội địa, dù đạt chuẩn xuất khẩu. Tình trạng thiếu hướng dẫn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng thủy sản nhập khẩu (từ xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa hoặc ngược lại) đang gây lúng túng lớn cho doanh nghiệp. VASEP cũng nêu ra sự bất cập trong thủ tục cấp giấy chứng nhận IUU cho các sản phẩm ruốc biển, cũng như đề xuất Bộ NN&MT ban hành mẫu chứng nhận đơn giản và tổ chức tập huấn cho các địa phương.
Đáng chú ý, VASEP cho rằng việc chậm luật hóa nội dung Công văn 2550/BTC-TCT năm 2021 vào hệ thống pháp luật đang khiến nhiều doanh nghiệp mất cơ hội được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động chế biến thủy sản. Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu cũng cần được điều chỉnh theo hướng miễn thuế hoặc rút ngắn quy trình hoàn thuế.
Nhóm vấn đề thứ ba là các quy định chưa rõ ràng, gây đa cách hiểu và tạo rào cản pháp lý. Một ví dụ điển hình là khái niệm “gia công, chế biến đơn giản” trong Nghị định 31/2018/NĐ-CP khiến doanh nghiệp bị từ chối cấp C/O, hoặc bị yêu cầu ghi nhãn không phù hợp, làm chậm tiến độ xuất khẩu. Mâu thuẫn trong thuế GTGT đối với sản phẩm thủy sản đông lạnh giữa các văn bản hướng dẫn và kết luận thanh tra năm 2024 cũng khiến doanh nghiệp hoang mang khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Quyết định 06/2020/QĐ-TTg về quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế còn bị đánh giá là quá rộng, yêu cầu xin phép ngay cả với các hoạt động nội bộ có yếu tố nước ngoài, dẫn đến thủ tục rườm rà và làm chậm quá trình làm việc với đối tác.
VASEP kêu gọi Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ NN&MT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế để nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời các quy định pháp luật đang gây vướng mắc. VASEP sẵn sàng hợp tác trong quá trình trao đổi, góp phần cải cách hành chính và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành thủy sản Việt Nam.
Hồng Hương