Tại Hội nghị Bứt phá xuất khẩu 2025 được tổ chức ngày 25/7, ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty DH Food cho biết, xuất khẩu là một bài toán cực khó, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực nông sản Việt.
Ông Dũng chia sẻ, năm 2016, DH Food bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên ra thế giới. Khi ấy, để đưa nông sản Việt ra thị trường nước ngoài, lựa chọn gần như duy nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế. Mỗi chuyến đi tiêu tốn từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, chưa kể chi phí logistics, nhân sự, trưng bày… Dù kiên trì nhiều năm, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh số.
![]() |
Các chuyên gia gợi ý, nên kể câu chuyện nông sản, ẩm thực Việt để gia tăng nhận diện, đưa gia vị và nông sản Việt Nam tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. |
Kể từ khi sử dụng nền tảng bán hàng của Amazon, DN đã cung cấp dữ liệu chi tiết về sản phẩm, doanh số, xu hướng tiêu dùng toàn cầu… Nhờ đó, giúp DN tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.
Cũng theo lời kể của vị đại diện DH Food, ban đầu, nhiều người tiêu dùng quốc tế trên Amazon chưa biết đến gia vị Việt Nam như muối tôm Tây Ninh, muối chanh Nha Trang. Tuy nhiên, ẩm thực Việt như phở, bún bò Huế, bún chả, bánh mì đang ngày càng phổ biến.
Ông đề xuất doanh nghiệp nên kể câu chuyện ẩm thực Việt ngay trên Amazon để gia tăng nhận diện và kéo theo nhu cầu các sản phẩm gia vị đi kèm.
“Đây là cơ hội lớn để đưa gia vị và nông sản Việt Nam tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. Chúng tôi không chỉ bán muối tôm hay mắm tỏi, mà là bán một phần của ẩm thực Việt Nam. Người tiêu dùng tò mò về phở, thì sẽ tìm mua gói gia vị nấu phở. Đó chính là cách để nông sản Việt, đặc biệt là nhóm có giá trị gia tăng, thâm nhập vào căn bếp của người tiêu dùng quốc tế,” ông Dũng nói.
Cũng tại sự kiện, bà Sao Lonsdale, CEO Lixibox, khẳng định: “Với những ai muốn đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới, không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực sự làm thương hiệu”.
Theo bà, người bán Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chỉ trông chờ vào kỹ năng bán hàng, tìm nguồn hàng hay khai thác thị trường ngách, bởi các đối thủ - đặc biệt từ Trung Quốc - có ưu thế vượt trội về giá thành và quy mô sản xuất, điều này sẽ khiến biên lợi nhuận của nhà bán hàng trong nước bị thu hẹp đáng kể.
“Thương hiệu ban đầu không cần hoàn hảo, có thể bắt đầu từ câu chuyện, thiết kế bao bì, nguồn gốc sản phẩm…”, CEO Lixibox nói.
Với kinh nghiệm từ nước bạn Nhật, tại một sự kiện mới đây, Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, Viện Hóa học nước biển Fukuoka (Nhật Bản) đã có những chia sẻ về bí quyết để nâng giá trị cho nông sản Việt qua câu chuyện quả xoài Miyazaki được người Nhật bán với giá tới 2,5 triệu đồng.
Tiến sĩ Đinh Hùng Cường đồng thời đưa dẫn chứng so sánh, ở Nhật Bản 1 triệu đồng chỉ mua được 5kg gạo chất lượng cao (gạo sạch). "Hoặc với 2,5 triệu đồng đó, ở Việt Nam, có thể mua xoài ăn trừ bữa nhiều ngày", ông ví von.
Lý giải vì sao một quả xoài Miyazaki ở Nhật có thể được bán với giá hơn 2 triệu đồng, vị Tiến sĩ cho biết, vấn đề không nằm ở thương hiệu mà nằm ở "câu chuyện". Người Nhật Bản thường không quảng cáo rầm rộ trên ti vi, nhưng họ quảng cáo ngầm và họ rất chăm chút cho sản phẩm của mình.
Họ kể câu chuyện về hành trình chăm sóc quả xoài Miyazaki từ khi còn nhỏ tới lớn ra sao. Sau đó họ đăng lên một tờ báo nói rằng, để thưởng thức xoài vào thời điểm đạt độ ngon nhất thì người ăn cần đến tại vườn, thưởng thức khi xoài vừa chín rụng.
Như vậy, cùng với việc chăm bẵm sản phẩm rất tốt và kể "câu chuyện" hay về quả xoài, Nhật Bản đã góp phần quảng bá du lịch địa phương, vừa bán được được xoài giá cao, vừa thu hút du khách đến địa phương thưởng thức đặc sản xoài Miyazaki.
Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, sự chênh lệch giá cao như vậy không đơn thuần nằm ở chi phí sản xuất hay marketing, mà nằm ở một thứ vô hình nhưng vô cùng quyền lực – đó là giá trị cảm nhận.
Thực tế, nông sản Việt Nam từ lâu được định vị là một mặt hàng thô, bán theo cân, theo tấn, tập trung vào số lượng. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản đã thành công trong việc biến nông sản thành một "tác phẩm", một sản phẩm cao cấp chứa đựng văn hóa, niềm tin và cả một câu chuyện thương hiệu đầy hấp dẫn.
Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam thừa sức sản xuất nông sản chất lượng, thậm chí tốt hơn Thái Lan hay Hàn Quốc. Ngành ẩm thực và nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Song, để làm được điều đó doanh nghiệp phải xác định rõ điều cốt lõi: không phải sản phẩm tốt là đủ, mà phải là sản phẩm phù hợp, đúng khẩu vị, đúng thời điểm, đúng câu chuyện người tiêu dùng muốn nghe. “Đặc biệt với nông sản Việt, đó không chỉ là thực phẩm, mà là văn hóa ẩm thực trong đó nữa”, Tổng Giám đốc Công ty DH Food nói thêm.
Hồng Hương