Bài toán nguồn nguyên liệu vẫn sẽ là nỗi lo đau đáu của ngành điều trong năm 2019, khi tình trạng "ăn đong" nguyên liệu đến nay chưa thể giải quyết.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu (XK) điều nhân 11 tháng năm 2018 ước đạt 342 nghìn tấn với kim ngạch 3,1 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thiếu nguyên liệu
Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 37,5%, 12,3% và 11,6% tổng giá trị XK hạt điều.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khối lượng và giá trị điều thô nhập khẩu trong 11 tháng lên đến 1,14 triệu tấn với giá trị đạt 2,25 tỷ USD, giảm 8,13% về khối lượng và 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, 11 tháng năm 2018, ngành điều đạt kim ngạch XK 3,1 tỷ USD nhưng cũng phải chi tới 2,25 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Điều này cho thấy nguyên liệu chính là mắt xích yếu nhất của ngành điều hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết những nguy cơ đe dọa nguồn cung nguyên liệu điều thô cho Việt Nam là việc Tanzania thu mua toàn bộ điều thô trong nước nên sẽ mất đi một trong những nguồn cung điều thô lớn. Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất điều thô ở châu Phi cũng đang chuẩn bị lập kế hoạch chế biến sâu, nâng cao giá trị hạt điều.
Do vậy, ông Toản cho rằng các doanh nghiệp (DN) cần liên kết chặt chẽ với nông dân để chủ động nguồn nguyên liệu thô chất lượng phục vụ chế biến và XK.
Trong 8 năm qua, vì nhiều lý do, diện tích điều của Việt Nam đã giảm liên tục, từ 440.000ha năm 2007 xuống chỉ còn 320.000ha (tính đến tháng 10/2018). Trong đó, diện tích điều lớn nhất tập trung tại các tỉnh như Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai.
Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại trên cây điều phát triển mạnh, thoái hóa giống, kỹ thuật chăm sóc vườn cây không được đầu tư. Chưa kể, giá điều thế giới rơi vào thời kỳ giảm sâu trong giai đoạn 2007-2009 khiến cho nhiều người dân chặt bỏ vườn điều.
![]() |
Dự báo các DN chế biến XK điều Việt Nam tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn |
Hỗn loạn giá vì trục lợi
Trong khi nguồn nguyên liệu ngày càng khó khăn, thực tế cho thấy ở trong nước đang xuất hiện tình trạng một số DN trục lợi và gây rối loạn thị trường nguyên liệu.
Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), một số DN ngành điều đã có ý kiến về việc cần phải kiểm soát chặt chẽ loại hình nhập khẩu gia công hàng XK.
Việc này là để tránh tình trạng một số DN thương mại lợi dụng chính sách (khi có những điều kiện thuận lợi cho loại hình kinh doanh này phát triển) để trục lợi và gây rối loạn thị trường nguyên liệu như thời gian vừa qua; nay là thời điểm phù hợp để đưa hoạt động này vào khuôn khổ theo quy định.
Bên cạnh đó, ở trong nước, giá điều thô từ các nhà cung cấp cũng như từ môi giới rất hỗn loạn. Vấn đề đáng quan tâm nhất vẫn là khi chào mời thì phía người bán thường đưa chất lượng lên cao để người mua nhầm tưởng là giá hạ xuống, nhưng thực chất khó xác định giá đắt hay rẻ, chỉ khi chứng minh được chất lượng thực tế tương xứng với lời chào.
Trong khi đó, về điều nhân, Vinacas dự báo, giá sẽ tiếp tục trầm lắng cho đến tháng 3-4/2019 khi các nhà rang chiên bắt đầu hợp đồng mua hàng cho năm 2019. Hiện, các nhà rang chiên và tiêu thụ Âu Mỹ đã áp dụng chiến thuật không đặt trước hàng như các năm trước.
Điều này đặt ra tình thế khó khăn cho nhà chế biến XK điều Việt Nam và đòi hỏi nhà sản xuất phải thật năng động, tích cực tìm thị trường tiêu thụ điều nhân. Đồng thời cần có một giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng chất lượng – vệ sinh an toàn thực phẩm, giao hàng đúng hạn, hoàn thiện chứng từ XK nhanh và chính xác, chấn chỉnh dịch vụ hậu mãi,…
"Nhìn chung, năm 2019 vẫn là một thử thách rất lớn cho các nhà máy chế biến và kinh doanh điều tại Việt Nam", ông Công đánh giá.
Thy Lê