Kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng kỹ thuật số. Hiện, mô hình này đang phát triển mạnh trên thế giới bởi những lợi ích mang lại như: tăng năng suất, giảm chi phí, thuận lợi, nhanh chóng cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động.
Nhiều tiềm năng vẫn khó phát triển
Tại Việt Nam, mô hình kinh tế nền tảng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển nhờ vào lực lượng dân số trẻ cao, số lượng người sử dụng internet chiếm đến 45% dân số, 28% dân số tham gia mua hàng trực tuyến.
Tại Tọa đàm Xu hướng chính sách đối với kinh tế nền tảng ngày 1/8, nhiều DN cho biết đang đợi một hạ tầng chính sách, quan điểm nhất quán, thống nhất và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng để ứng dụng.
Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết mô hình kinh tế nền tảng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2006 bằng sự ra đời của website Vatgia.com, đến nay đã có hàng chục website khác ra đời như: Tiki, Adayroi, Sendo, Lazada…
Hiện, lĩnh vực vận tải và du lịch có số lượng DN ứng dụng mô hình kinh tế nền tảng nhiều nhất và đã tạo ra những thay đổi lớn cho các thị trường.
Trong lĩnh vực du lịch, ngoài những tên tuổi trong nước là VnTrip, Triip.me…, có sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” trên thế giới như: AirBnb, Agoda, Booking, Traveloka, Expedia.
Theo ông Long, do thiếu hạ tầng chính sách để quản lý hoạt động này dẫn đến nhiều DN khi vào Việt Nam hoạt động đã trốn thuế.
Lĩnh vực vận tải cũng đang xảy ra nhiều bất cập do không có sự nhất quán về chính sách ngay từ đầu. Ví dụ, năm 2015, Uber vào Việt Nam, Bộ Tư pháp coi đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong khi đó, Bộ KH&ĐT coi nền tảng Uber là dịch vụ kết nối vận tải; Bộ Công Thương lại xem dịch vụ này là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử.
![]() |
ảnh minh họa |
Cần hạ tầng chính sách hoàn chỉnh
Theo quan điểm của ông Long, trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm…
Nhận định về Dự thảo mới thay thế Nghị định số 86 khi đưa ra định nghĩa mới, coi “phần mềm kết nối” nếu tham gia vào công đoạn quyết định giá, điều hành xe sẽ là hoạt động kinh doanh vận tải, ông Long cho rằng phần lớn các nước trong khu vực không coi nền tảng kết nối xe là dịch vụ vận tải.
Việc coi nền tảng kết nối là dịch vụ vận tải là sự bất công, không hợp lý với các DN công nghệ. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực tới kinh tế nền tảng, làm giảm thế mạnh của các đơn vị xử lý công nghệ trong nước như Vato, Emmi, Gonow (của Viettel) và T.Ney (của FPT), lẫn các nền tảng ngoại như Grab…
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng đồng tình rằng quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm của công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một công nghệ đơn thuần.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Đề án về mô hình kinh tế nền tảng, đề cập đến vai trò quản lý của Nhà nước như thế nào trong thời gian tới.
“Quan điểm là phải tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh và đặc biệt là không được tập trung thị trường, tạo sự công bằng cho các DN”, bà Tuệ Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc gia nhập thị trường kinh tế nền tảng đối với DN vẫn còn những khó khăn, vì vậy việc xây dựng chính sách phải tạo thuận lợi để DN tham gia dễ dàng như điều kiện kinh doanh thuận tiện hơn để DN giảm chi phí. Có như vậy mới khuyến khích DN tham gia thị trường.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật, cho rằng trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế nền tảng cần phải lưu ý đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các đối tác yếu thế.
“Không ít trường hợp đối tác phàn nàn về tỷ lệ phân chia doanh thu các nền tảng đặt xe ở Việt Nam. Có những nền tảng thu phí hủy chuyến cao với thời gian chờ không hợp lý làm tài xế bị thiệt hại dù không phải lúc nào cũng do lỗi của họ. Vì vậy, việc bảo vệ đối tác yếu thế là hết sức cần thiết và phải được nghiên cứu ban hành”, ông Dương khẳng định.
Thanh Hoa