Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ 15/7 - 31/10/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng đã có cam kết giảm lãi cho vay là khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với 30/9/2021, tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết (ước khoảng 20.600 tỷ đồng).
Khối ngân hàng thương mại nhà nước có số tiền lãi vay giảm lớn nhất với 12.663 tỷ đồng, chiếm 81,4% số lãi giảm toàn hệ thống. Trong đó, giảm nhiều nhất là Agribank: tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.
Vietcombank đứng thứ 2 với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.055 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng.
![]() |
Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sẽ giúp tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 đạt 13%. |
Tiếp theo là BIDV với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 2.739 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng. VietinBank với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.873 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng.
Các nhà băng tư nhân khác có mức giảm ít hơn, như MB (610 tỷ đồng), SHB (330 tỷ đồng), Techcombank (344 tỷ đồng), ACB (370 tỷ đồng), VPBank (354 tỷ đồng)... Trong khi đó, TPBank, Sacombank, HDBank, MSB, SeABank... có mức giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng từ 100 - 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong hơn 3 tháng thực hiện cam kết giảm lãi vay, một số ngân hàng có mức giảm ít, chỉ vài chục tỷ đồng như: VIB (22,57 tỷ đồng), LienVietPostBank (95,06 tỷ đồng)...
Trong một hội thảo của ngành ngân hàng được tổ chức vào giữa tháng 10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận xét, qua giám sát việc giảm lãi suất của 16 ngân hàng đã có cam kết, có ngân hàng giảm lãi suất nhiều, nhưng ngược lại có ngân hàng giảm rất rụt rè.
Theo đó, Phó Thống đốc NHNN nhận xét: Trong cơ chế thị trường, cần có sự sòng phẳng, ngân hàng nào phục vụ tốt, giảm lãi suất cho vay nhiều thì doanh nghiệp mới nên "chơi". Ngược lại, ngân hàng cũng đang cạnh tranh đi tìm doanh nghiệp tốt để cho vay.
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng trong tháng còn lại của năm, các ngân hàng cho rằng, sau thời gian quý 3 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng đã phục hồi trở lại ngay từ tháng 11. Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, dù ngành ngân hàng không hạ chuẩn cho vay, tuy nhiên các ngân hàng vẫn đang tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi, giảm phí theo Thông tư 14 sửa đổi Thông tư 01. Cùng với đó, mỗi ngân hàng tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi riêng cho khách hàng.
Chẳng hạn, Sacombank có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chỉ cần khách hàng đủ điều kiện tín dụng theo quy định sẽ được ngân hàng giải ngân bình thường; kể cả khách hàng đang được cơ cấu nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN có nhu cầu sử dụng vốn mới để phục vụ kinh doanh thì ngân hàng vẫn đáp ứng”, ông Tuệ cho biết.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế hoạt động trở lại, ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để phục vụ cho các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các ngân hàng đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay sẽ đẩy dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%.
Thanh Hoa