Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, những tháng cuối năm, NHNN sẽ không đặt vấn đề giảm lãi suất nữa, muốn lãi suất cho vay giảm mà lãi suất đầu vào không giảm thì phải dựa vào sự quyết tâm của các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng phải giảm chi phí và lợi nhuận.
Hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất
Mùa công bố báo cáo tài chính quý III của ngành ngân hàng chính thức bắt đầu cũng là lúc câu chuyện “doanh nghiệp phá sản, ngân hàng lãi cao” lại được xới lên. Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Toàn Cầu (Hà Nội) cho rằng, các ngân hàng liên tiếp công bố lợi nhuận trong quý III tăng trưởng tích cực là điều đáng mừng. Tuy nhiên, "Ngân hàng là "huyết mạch" của nền kinh tế. Nếu "huyết mạch" có sức khỏe tốt nhưng không hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển thì cũng không có ý nghĩa gì", bà Thu nói.
![]() |
Các ngân hàng vẫn có thể giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nếu chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận. Ảnh Int |
Bà Thu đề xuất: “Tùy theo tiềm lực, mỗi ngân hàng nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Với những ngân hàng có tỷ lệ sinh lời cao, nên xem xét giảm lãi suất khoảng 1,5 - 2%/năm cho tất cả các khách hàng, kể cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, không phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn vay ngắn hay dài”.
Các chuyên gia cho rằng, kể cả khi NHNN khẳng định chính sách điều hành lãi suất từ nay đến cuối năm ổn định, các ngân hàng vẫn có thể giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nếu chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận.
Theo công bố báo cáo tài chính quý III, so với nửa đầu năm, tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã có phần chững lại nhưng phần lớn vẫn đạt con số hàng chục phần trăm, đặc biệt là nhóm nhà băng tầm trung và nhỏ vẫn vượt trội so với phần còn lại của thị trường.
Đáng chú ý, 2 ngân hàng có tổng mức giảm tiền lãi thấp nhất trong 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là VIB (giảm 5 tỷ đồng) và SeABank (giảm 3 tỷ đồng) đều có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, VIB ghi nhận lợi nhuận 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 29%. Còn SeABank cũng ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 123,7% so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch kinh doanh của cả năm (2.414 tỷ đồng).
Trong khi đó, một số nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao và đã dành nguồn lực lớn để giảm lãi suất. Chẳng hạn, luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhà băng này dành 155 tỷ đồng trong đợt đầu để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Tương tự, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Với mức tăng trưởng cao như vậy, ngân hàng đã dành 126 tỷ đồng để giảm lãi suất cho 20.916 khách hàng trong đợt đầu...
Khuyến khích bằng cơ chế thưởng "room"
Việc NHNN áp dụng cơ chế thưởng room tăng tín dụng cho những ngân hàng chịu giảm mạnh lãi suất cho vay, còn dư địa tăng trưởng; tạo cơ chế khoanh nợ với các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid-19… là hoàn toàn hợp lý. Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau những tác động nặng nề từ đại dịch.
Mặc dù việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp sẽ còn được các nhà băng tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đang "tỉnh dậy sau nhiều tháng ngủ đông” và đón mùa kinh doanh cuối năm, thì việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi được ví như nguồn “ô xy” để doanh nghiệp thở. Do đó, chậm trễ thêm ngày nào, cơ hội phục hồi của doanh nghiệp sẽ trôi qua ngày đó.
Đánh giá về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, qua giám sát việc giảm lãi suất của 16 ngân hàng đã có cam kết, có ngân hàng giảm lãi suất nhiều, nhưng ngược lại có ngân hàng giảm rất rụt rè, chỉ 5 tỷ đồng.
Ông Tú nhấn mạnh: Trong cơ chế thị trường, cần có sự sòng phẳng, ngân hàng nào phục vụ tốt, giảm lãi suất cho vay nhiều thì doanh nghiệp mới nên "chơi". Ngược lại, ngân hàng cũng đang cạnh tranh đi tìm doanh nghiệp tốt để cho vay.
Đồng thời, đề nghị ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất một cách có trách nhiệm. Chi nhánh các địa phương cũng xem xét công khai mức giảm lãi suất cho các doanh nghiệp ở địa phương đó. Vì hiện nay đang xu hướng minh bạch, công khai hóa.
Quan điểm của NHNN là tiếp tục cung ứng tín dụng nhưng đảm bảo hợp lý, đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, thiết thực cho việc khôi phục nền kinh tế, trên cơ sở đảm bảo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và phục vụ yêu cầu kiểm soát lạm phát.
“NHNN tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại đã sắp hết hạn mức tín dụng nhưng vẫn thực hiện cung ứng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được xem xét tăng hạn mức tín dụng một cách hợp lý từ nay đến cuối năm”, ông Tú cho hay.
Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng rằng: trong giai đoạn này, việc NHNN áp dụng cơ chế thưởng room tăng tín dụng cho những ngân hàng chịu giảm mạnh lãi suất cho vay, còn dư địa tăng trưởng; tạo cơ chế khoanh nợ với các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid-19… là hoàn toàn hợp lý. Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau những tác động nặng nề từ đại dịch.
Trả lời câu hỏi về vấn đề thưởng room tín dụng liên quan đến việc hạ lãi suất cho vay, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ: "Room tín dụng hiện tại là không dồi dào, có thể nói là khá ít. Rõ ràng với việc nới room đợt hai thêm vài phần trăm, thì kể cả là dịch bệnh, các ngân hàng vẫn đang còn thiếu. Vì vậy, nếu được nới thêm room tín dụng, các ngân hàng sẽ có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp".
Mới đây, Vietcombank được NHNN cấp thêm tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14%. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, toàn bộ room tín dụng vừa được NNHN cho phép tăng thêm, ngân hàng sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.
Huyền Anh