Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số ngân hàng hiện nay phải cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng tín dụng do chưa thể tăng vốn theo quy định, giới hạn tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại, lãi suất huy động đang chịu áp lực tăng lên…, đây là những "rào cản" khiến khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và giảm lãi suất cho vay.
Tín dụng khó tăng nếu vốn mỏng
Tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019, vấn đề được người đứng đầu các ngân hàng này lo lắng nhất là tăng trưởng tín dụng năm 2019 khó được đẩy nhanh và tăng cao do thực trạng vốn mỏng và nếu không tăng được vốn, các nhà băng này sẽ bị hạn chế cho vay khi hệ số an toàn vốn (CAR) đụng trần.
Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho rằng việc tăng vốn là đặc biệt cấp bách đối với nhà băng này. Thực tế, cuối năm 2018, VietinBank phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh, giảm mục tiêu lợi nhuận do hệ số CAR đã tới mức tối thiểu.
Ngay từ đầu năm 2019, VietinBank đã chủ động giảm mức tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 14% – mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Ông Thọ khẳng định, để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về CAR, trong năm nay VietinBank bắt buộc phải tăng vốn điều lệ.
Cùng "cảnh ngộ", đại diện BIDV cũng cho biết, nếu không được tháo gỡ những rào cản trong việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và đề xuất giữ lợi nhuận để nâng cao năng lực tài chính thì sẽ khó mở rộng tín dụng ra nền kinh tế.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết: "Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến năm 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ CAR tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế".
Hiện nay, khối ngân hàng thương mại nhà nước đang chiếm hơn 50% thị phần tín dụng, cũng là "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt thị trường. Vì thế, theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu không được tăng vốn sẽ ảnh hưởng lớn đến chủ trưởng của Chính phủ.
Trong báo cáo chiến lược tháng 3/2019 vừa được phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng GDP trong quý I/2019 sẽ chậm hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở tín dụng và giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay tháng 3 sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý sau trong môi trường lạm phát thấp và được kiểm soát.
![]() |
Dư địa để giảm lãi suất cho vay không còn nhiều |
Khó nhưng vẫn khả thi
Theo đánh giá của các chuyên gia, thông điệp mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay không phải là mới. Từ năm 2017, nhiều lần Chính phủ đã đưa ra thông điệp này cho NHNN; các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, từ năm 2018, các ngân hàng thương mại phải đối mặt với những ràng buộc khó khăn hơn nhiều như việc NHNN siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, áp lực tăng vốn theo quy định chuẩn Basel 2, áp lực thanh khoản khiến một số ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Dẫu vậy, một số ngân hàng vẫn nỗ lực giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2019, 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đã giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm dành cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng này không tăng so với thời điểm cuối năm 2018, song các ngân hàng cũng khó có dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay.
Còn các ngân hàng thương mại cổ phần lại càng khó khăn hơn khi lãi suất huy động luôn được đẩy lên cao, đặc biệt là lãi suất huy động dài hạn, do các ngân hàng này đang chịu áp lực từ việc siết tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Có thể thấy hệ thống ngân hàng đang phải gánh một lượng lớn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của nền kinh tế, trong khi nhu cầu này có chi phí lãi suất cao, nên việc giảm lãi suất cho vay sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù còn nhiều rào cản nhưng vẫn còn công cụ để thực hiện thông điệp của Chính phủ. Ts. Phan Minh Ngọc, chuyên gia tài chính, cho rằng một số lĩnh vực ưu tiên có nhiều rủi ro như cho vay nông nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro mất mùa, thiên tai…
Vì vậy, theo Ts. Ngọc, NHNN có thể cần phải nới room tín dụng, hỗ trợ lãi suất, thậm chí cam kết gánh một phần thiệt hại khi doanh nghiệp và người vay trong các lĩnh vực ưu tiên này mất khả năng chi trả… cho những ngân hàng thực hiện tốt chủ trương mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Huyền Anh