Tại Hội thảo khoa học "Kiểm soát tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" ngày 7/3, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, xử lý nợ xấu vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm nay và các ngân hàng có thể sẽ phải hy sinh lợi ích trước mắt (giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro) để phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Nhiều ngân hàng báo lỗ
Năm 2018 được đánh giá là năm thành công của hệ thống ngân hàng khi nhiều nhà băng có mức tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô lẫn lợi nhuận. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng cao và trích lập dự phòng rủi ro lớn nên lợi nhuận ở một số ngân hàng đã sụt giảm mạnh như: BIDV, VietinBank, VPBank, PGBank…
Ngay cả với các ngân hàng lớn, chi phí trích lập dự phòng rủi ro cũng đã ảnh hưởng đáng kể, khiến mức lãi không còn được "hoành tráng". Trường hợp điển hình là BIDV kết thúc năm tài chính 2018 dẫn đầu toàn hệ thống về lợi nhuận thuần với hơn 28.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu cũng tăng cao lên đến gần 16.700 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 7.170 tỷ đồng. Vì thế, BIDV phải trích tới 2/3 lợi nhuận (18.800 tỷ đồng) để dự phòng rủi ro tín dụng khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 9.472 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng sau khi trích lập dự phòng rủi ro còn báo lỗ. Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của Saigonbank ghi nhận lỗ 69,5 tỷ đồng, kéo mức lợi nhuận trước thuế của nhà băng này trong cả năm chỉ đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2017.
Eximbank cũng ghi nhận khoản lỗ 309 tỷ đồng, kéo lợi nhuận cả năm xuống chỉ còn 827 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức 1.017 tỷ đồng trong năm trước.
Nguyên nhân khoản lỗ của Eximbank là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV tăng tới gần 4 lần so với cùng kỳ, lên mức 401 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động ngân hàng cũng tăng vọt 75% lên mức 1.047 tỷ đồng (cùng kỳ gần 598 tỷ đồng).
Theo thống kê sơ bộ trên báo tài chính quý IV/2018 của hệ thống ngân hàng, các nhà băng đã trích lập khoảng 62.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, chiếm đến hơn 40% lợi nhuận thuần.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, NHNN cho biết, đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đã giảm nhẹ về mức 1,89% từ mức 1,99% của cuối năm 2017.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ song số dư nợ xấu tuyệt đối trong hệ thống vẫn tiếp tục tăng. Thậm chí nếu tính cả nợ xấu đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn rất cao, lên tới 6,5%.
![]() |
Nhiều ngân hàng tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro |
Chưa thể nhẹ vai
Tại Hội thảo ngày 7/3, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng trong năm 2019, nợ xấu còn tăng cao, các nhà băng sẽ gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, vì thế lợi nhuận sẽ tiếp tục sụt giảm. Lợi nhuận thấp không những khiến các nhà băng không có nguồn tích lũy để tăng vốn mà việc tìm kiếm các cổ đông mới cũng khó khăn hơn, trong khi lộ trình áp dụng chuẩn Basel 2 đã đến gần.
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng điều này là cần thiết để các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu trong bối cảnh Chính phủ, NHNN yêu cầu đưa tỷ lệ nợ xấu gộp, bao gồm cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC, nợ xấu tiềm ẩn về dưới dưới 5% năm 2019 và dưới 3% năm 2020.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, chi phí dự phòng rủi ro vẫn sẽ là gánh nặng với BIDV trong năm 2019.
Theo phân tích của VDSC, BIDV dự kiến hoàn thành mục tiêu tất toán hết lượng trái phiếu VAMC chưa xử lý trong năm 2019 (hiện giá trị ròng còn khoảng hơn 6.000 tỷ đồng) thì khả năng chi phí dự phòng tiếp tục tăng lên đến khoảng 20.000 tỷ đồng trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận.
Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng thương vụ bán cổ phần cho KEB Hana Bank sắp tới sẽ giúp giải tỏa các áp lực hiện tại và nâng cao khả năng cạnh tranh của BIDV trong mảng bán lẻ. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của BIDV được dự báo tăng 14%, đạt 10.500 tỷ đồng.
Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết: "Một số TCTD có tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp, song các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn ở mức khá cao. Việc xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn đến từ sử dụng dự phòng rủi ro. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh trong những năm qua, nhưng "cơm chưa ăn thì gạo còn đó".
Huyền Anh