Trong báo cáo mới nhất, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định ngành ngân hàng vẫn có triển vọng tương đối khả quan, có sự tăng trưởng tốt (với dư nợ tăng trưởng đều, biên lợi nhuận mở rộng và thu nhập ngoài lãi được cải thiện) trong khi chi phí dự phòng trái phiếu VAMC đến năm 2022 có xu hướng giảm.
NIM được cải thiện
Theo phân tích của các chuyên gia, dù tín dụng năm nay tăng trưởng chậm hơn năm ngoái nhưng có nhiều điểm tựa giúp ngân hàng bứt phá về lợi nhuận.
Trong đó, NIM tiếp tục là động lực tăng lợi nhuận chính, cùng với đó là tăng trưởng của các hoạt động khác: dịch vụ, kinh doanh chứng khoán…, hay việc giảm chi phí dự phòng.
Nhận định tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng, nhóm nghiên cứu của VDSC nêu lý do bao gồm việc cải thiện NIM và tăng trưởng thu nhập dịch vụ cao hơn, trong khi tỷ lệ chi phí hoạt động và chi phí dự phòng/thu nhập hoạt động được duy trì ổn định.
Việc tăng lợi tức tài sản có nhờ việc phân bổ lại danh mục (điển hình là tăng cho vay bán lẻ) sẽ bù đắp chi phí vốn cao hơn (do việc phát hành công cụ nợ kỳ hạn dài hơn để đáp ứng các quy định chặt chẽ về vốn). Việc tăng trưởng cho vay chậm lại so với tốc độ tăng trưởng của các năm trước đây có thể giảm bớt áp lực tăng chi phí vốn trong ngắn hạn.
VDSC kỳ vọng NIM của BIDV có thể đạt 2,9% trong 2018-2022, nhờ tăng trưởng cho vay bán lẻ, phân khúc hiện chiếm tỷ trọng 31% trong tổng dư nợ và dự kiến đạt 40% vào năm 2022.
MB có khả năng sẽ cải thiện được NIM nhờ tăng trưởng cho vay tài chính tiêu dùng thông qua công ty tài chính tiêu dùng Mcredit.
Hay ACB hiện nay đã hoàn thành việc tái cơ cấu và định vị vững chắc là một ngân hàng bán lẻ. Với cơ cấu cho vay có bảo đảm là chính, nên sẽ có ít rủi ro hơn so với các ngân hàng khác. Do đó, chi phí dự phòng dự báo sẽ ở mức thấp trong khi NIM của ACB có thể duy trì ở mức trên 3%.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục là thu nhập dịch vụ như: bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử (eBanking) của nhiều ngân hàng đang có đà tăng trưởng tốt.
Theo phân tích của VDSC, hiện ACB có tỷ trọng đóng góp từ thu nhập dịch vụ lớn nhất, trong khi HDBank và MB đang có đà tăng trưởng nhanh nhất.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng thu nhập dịch vụ của ACB sẽ tăng trưởng cao trong năm 2018-2022 nhờ đóng góp tích cực hơn từ phí bancassurance, phí giao dịch và phí bảo lãnh”, nhóm nghiên cứu VDSC nhận định.
Một yếu tố khác là việc tiếp tục xóa các khoản nợ xấu (cả nợ nội bảng và trái phiếu VAMC) thông qua trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý nợ sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng, nhờ đó nâng cao chất lượng tài sản.
![]() |
Ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2018 |
Tăng trưởng phụ thuộc vào vốn
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không cấp thêm hạn mức tín dụng trừ trường hợp đặc biệt bao gồm các ngân hàng tham gia vào việc tái cấu trúc các tổ chức tài chính yếu kém. Do đó, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào năng lực vốn của ngân hàng.
Với Chỉ thị 04 của NHNN, các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong 6 tháng đầu năm 2018 sẽ phải tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm 2018.
Sẽ có một số ngân hàng bị ảnh hưởng bởi Chỉ thị 04 như: HDBank (dư nợ tăng trưởng +15% so với đầu năm, chiếm 81% hạn mức của NHNN); ACB (+12%, 79%); Vietcombank (+12%, 75%) và MB (+11%, 71%).
Trong khi đó, các ngân hàng tăng trưởng chậm hơn trong nửa đầu 2018, như BIDV (+7%, 46%) và VietinBank (+8%, 56%) sẽ có thể bắt kịp tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm.
VDSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam sẽ giữ vững ở mức trung bình 16% trong năm 2018 (thấp hơn so với mức 19% năm 2017), sau đó là 15% cho năm 2019, với cho vay bán lẻ tăng trưởng nhanh hơn cho vay doanh nghiệp.
Trong các ngân hàng được phân tích, VDSC cho rằng các ngân hàng thương mại cổ phần (ACB, HDBank, MB) sẽ có tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank, Vietcombank), trong đó HDBank tăng trưởng nhanh nhất (dự báo 18% năm 2018) và VietinBank chậm nhất (15%).
NHNN đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 14-15% cho hầu hết các ngân hàng trong năm 2018, trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm là 17% cho toàn hệ thống.
Như vậy, với những trường hợp đặc biệt là Vietcombank (hỗ trợ VNCB), VietinBank (hỗ trợ OceanBank và GPBank) và HDBank (đang chờ sáp nhập với PGBank) có thể sẽ được xem xét cấp thêm hạn mức tín dụng.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng tình hình thiếu vốn hiện tại của các ngân hàng quốc doanh là yếu tố then chốt có khả năng hạn chế tiềm năng tăng trưởng về tín dụng của các ngân hàng này.
Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6, Vietcombank có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản chỉ đạt 6,2%, nhưng nhà băng này cho biết không có ý định đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao hơn mức 15% được NHNN giao.
Hoàng Hà