Huyện Phụng Hiệp, mảnh đất được mệnh danh là "thủ phủ" của những ngã sông, từ lâu đã nổi tiếng với sự trù phú của sản vật đồng quê.
Từ nỗi lo "đánh bạc với trời"
Thế nhưng, sự giàu có về tài nguyên ấy trong nhiều năm vẫn chưa thể chuyển hóa thành sự giàu có về kinh tế cho người dân. Những con đặc sản như ba ba, cá thác lác, lươn... dù có giá trị nhưng lại bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sản xuất nhỏ lẻ, bị động về giá cả và thiếu vắng đầu ra ổn định.
Trước khi các HTX ra đời và khẳng định vai trò, nghề nuôi trồng đặc sản ở Phụng Hiệp mang nặng tính tự phát. Mỗi nhà một kiểu nuôi, mỗi người một kinh nghiệm truyền miệng. Ông Trần Văn Hùng, một nông dân ở xã Tân Long, người có hơn 15 năm gắn bó với con ba ba, vẫn không quên những ngày tháng gian truân.
“Hồi đó nuôi cứ như đánh bạc với trời. Con giống thì mua trôi nổi, không rõ nguồn gốc, mang mầm bệnh về lúc nào không hay. Kỹ thuật thì tự mày mò, ao nuôi bị bệnh là coi như mất trắng cả lứa”.
![]() |
Sơ chế cá thác lác ở HTX Kỳ Như. |
Tình cảnh của ông Hùng cũng là bức tranh chung của ngành nuôi trồng thủy sản đặc sản ở Phụng Hiệp lúc bấy giờ. Con cá thác lác, dù nức tiếng thơm ngon, dai thịt, nhưng chủ yếu chỉ được bán tươi tại các chợ địa phương với giá cả bấp bênh. Vòng lặp "nuôi - bán thô - thu nhập thấp" đã kìm hãm sự phát triển của cả một ngành kinh tế tiềm năng.
Giờ đây, một chương mới đang được viết ở Phụng Hiệp. Một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng mạnh mẽ đang diễn ra, nơi mô hình kinh tế tập thể, với hạt nhân là các HTX kiểu mới, đang "đánh thức" những tiềm năng ngủ quên, biến con nước, mảnh vườn thành những "nhà máy" sản xuất ra những sản phẩm đặc trưng mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng ngàn hộ dân.
Đến lời giải nhờ liên kết chuỗi giá trị
Nhận thấy những "điểm nghẽn" cố hữu đó, được sự quan tâm sâu sắc của Liên Minh HTX tỉnh Hậu Giang và Huyện ủy - UBND huyện Phụng Hiệp, chủ trương vận động, hỗ trợ người dân thành lập các HTX chuyên ngành đã được đẩy mạnh. Sự ra đời của những HTX kiểu mới, hoạt động bài bản và chuyên nghiệp, đã tạo ra một bước ngoặt.
Tiêu biểu có thể kể đến HTX BaBa Việt, thành lập ngày 11/5/2022 tại ấp Hoà Phụng A, chuyên sâu về con ba ba từ khâu con giống đến ba ba thịt. Hay trong lĩnh vực cá thác lác, hai cái tên nổi bật là HTX Kỳ Như tại ấp Tầm Vu 1 và HTX Ngọc Phạm HAGI, thành lập ngày 22/12/2021 tại ấp Hoà Bình. Đây không chỉ là sự thay đổi về tên gọi, mà là sự thay đổi toàn diện về tư duy và phương thức sản xuất.
Các HTX này đã từng bước chuẩn hóa từ đầu vào và quy trình kỹ thuật. Thay vì mua con giống trôi nổi, các HTX như HTX BaBa Việt đã chủ động kinh doanh con giống, đảm bảo cung cấp cho 9 thành viên của mình nguồn giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Các HTX trở thành nơi tập hợp, chia sẻ và chuẩn hóa kỹ thuật nuôi theo các tiêu chuẩn an toàn. Điển hình như HTX Kỳ Như, với 11 thành viên, đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP rộng 2,03ha, đảm bảo sản phẩm sạch và an toàn từ khâu nuôi trồng.
![]() |
Nuôi ba ba giúp người dân có thu nhập ổn định. |
Với vai trò hỗ trợ đắc lực cho các thành viên, các HTX này đã chủ động trong liên kết đầu ra. Nền tảng cho sự ổn định của các HTX là việc chủ động tìm kiếm và ký kết được các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhiều công ty, doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra vững chắc. Với sản lượng lớn và chất lượng đồng đều, các HTX có đủ vị thế để đàm phán giá, giúp người nông dân không còn phải thấp thỏm chờ thương lái mà có thể yên tâm sản xuất.
Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế của Phụng Hiệp chính là việc các HTX không chỉ dừng lại ở bán sản phẩm thô. Họ đã mạnh dạn đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, mang thương hiệu của chính mình.
Câu chuyện của con cá thác lác là minh chứng rõ nét nhất. Thay vì bán cá tươi, các đơn vị như HTX Kỳ Như và HTX Ngọc Phạm HAGI đã đi đầu trong việc đầu tư sơ chế, chế biến các sản phẩm từ thủy sản. Sản phẩm chủ lực là chả cá thác lác rút xương, được sản xuất theo quy trình khép kín, đóng gói, hút chân không, dán nhãn mác với thương hiệu riêng và mã QR để truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm này không chỉ tiện lợi mà còn giải quyết được bài toán bảo quản và vận chuyển đi xa, tự tin có mặt trên kệ của nhiều siêu thị lớn.
Đặc biệt, các HTX còn cho thấy một tư duy kinh doanh rất năng động. Không chỉ tập trung vào thủy sản, HTX Kỳ Như còn mở rộng sang sơ chế nhiều loại rau củ quả, thậm chí phát triển các sản phẩm độc đáo như trà mãng cầu, trà khổ qua. Tương tự, HTX Ngọc Phạm HAGI cũng đăng ký ngành nghề sơ chế, bảo quản rau, củ, quả bên cạnh thế mạnh về cá thác lác để giúp thành viên nâng cao thu nhập.
Mô hình này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần quan trọng vào việc giải quyết lao động nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đơn cử như HTX Ngọc Phạm HAGI, với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương. HTX Kỳ Như và HTX BaBa Việt, mỗi đơn vị cũng giải quyết việc làm cho 20 lao động, mang lại nguồn thu nhập quý giá cho người dân.
Hiệu quả kinh tế
Sự chuyển đổi sang mô hình HTX và chế biến sâu đã mang lại "quả ngọt" rõ rệt. Như các báo cáo định kỳ gửi về cơ quan quản lý địa phương cho thấy, các HTX như Ngọc Phạm HAGI và BaBa Việt đều hoạt động tốt, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Các dịch vụ sản xuất kinh doanh được tổ chức hiệu quả, có lợi nhuận, và các HTX cũng phối hợp tốt trong quá trình kiểm tra, cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động, quy trình sản xuất kinh doanh cho đơn vị chức năng. Điều này cũng chứng minh sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh của các mô hình kinh tế tập thể.
Thành công này có được nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền. Một minh chứng ấn tượng cho sự tin tưởng và đầu tư vào mô hình này là thông qua sự kết nối của Liên minh HTX tỉnh và các ban ngành, HTX Kỳ Như đã được chọn tham gia dự án "Phát triển nông nghiệp bền vững". Đặc biệt, HTX đã đề xuất và nhận được sự chấp thuận cho các hạng mục đầu tư quy mô lớn với tổng kinh phí lên tới hàng tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được dùng để sửa chữa đê bao kết hợp làm lộ giao thông nông thôn, xây dựng nhà kho và trụ sở làm việc. Đây là một cú hích hạ tầng cực lớn, không chỉ phục vụ cho HTX mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực ấp Tầm Vu 1.
Theo tính toán của các HTX, nuôi baba theo quy trình và được bao tiêu để phục vụ chế biến giúp người dân có nguồn thu 25-30 triệu đồng/tháng. Còn đối với cá thác lác tươi có giá bán 65.000-70.000 đồng/kg. Nếu loại cá này được sơ chế, ướp gia vị đóng bao bì giá thì giá bán ra sẽ vào khoảng 120.000-140.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ).
Hoạt động sản xuất và chế biến con đặc sản của các HTX và người dân đã góp phần nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện đạt gần 140 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến 2024 đạt 76 triệu đồng/người/năm, tăng 15 lần so với năm 2005. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 1,87% (giảm 22,81% so với năm 2005).
Để phát triển bền vững, định hướng của huyện Phụng Hiệp trong thời gian tới là tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực quản trị cho các HTX; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu OCOP; khuyến khích các HTX nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm chế biến và mở rộng thị trường.
Cánh Sóng