Trong bối cảnh nhiều hộ gia đình tại Văn Lăng còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, việc tìm kiếm một hướng đi mới, mang tính đột phá trong công tác giảm nghèo trở nên cấp thiết.
Tạo việc làm cho người nghèo một cách sáng tạo
Một trong những điểm sáng trong công tác giảm nghèo tại Văn Lăng là việc triển khai dự án hỗ trợ bò theo hình thức mới, có sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và hộ nghèo. Thay vì cấp phát bò trực tiếp cho từng hộ gia đình, dự án cho phép hộ nghèo được “vay” bò để chăn nuôi tập trung tại HTX. Đây là một cách làm thông minh, tận dụng được lợi thế về vốn, khả năng quản lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của HTX.
Theo đó, HTX Bò Mông số 11, xã Văn Lăng có trách nhiệm quản lý, chăm sóc đàn bò, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng. Người nghèo tham gia sẽ làm việc tại HTX và được trả công ổn định ở mức 200.000 đồng/người/ngày. Mô hình này không chỉ tạo ra thu nhập tức thì cho người lao động mà còn giúp họ học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng chăn nuôi hiện đại.
Qua thời gian, đàn bò từ 100 con đều sinh trưởng tốt, bò cái giống đã sinh được bê non, bò nuôi thịt phát triển ổn định mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để phát huy vai trò của mô hình HTX, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình này ngoài đến làm việc và được trả công theo ngày thì có thể bán cỏ cho HTX để lại nguồn thu nhập cho gia đình. Cuối năm nếu bò được bán được giá cao thì người dân còn được thưởng thêm. Cơ chế thưởng thêm này tạo động lực cho người lao động gắn bó và nâng cao hiệu quả công việc. Và sự linh hoạt trong hình thức hỗ trợ đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo có thể tham gia và hưởng lợi từ mô hình kinh tế tập thể.
![]() |
HTX Bò Mông số 11 được nhiều đơn vị đến học tập. |
Theo thời gian, mô hình này ngày càng phát triển, từ đàn bò ban đầu, HTX sẽ chia cho các hộ nghèo, mỗi hộ một con bê để phát triển sản xuất độc lập. Đây là một bước đi chiến lược, tạo điều kiện cho người nghèo có tài sản riêng, tự chủ trong sản xuất và hướng tới thoát nghèo bền vững.
Điều đáng nói là mô hình này ở xã Văn Lăng đã được nhân rộng ra xã Động Đạt, huyện Phú Lương thông qua HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương. Điều này cho thấy vai trò của việc hỗ trợ người nghèo thông qua mô hình HTX mang lại hiệu quả cao và từ đó giúp thu nhập của người dân cũng được nâng lên.
Mô hình liên kết sản xuất thông qua HTX đã cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với phương thức kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ. Mô hình này khắc phục được những hạn chế về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và khả năng tiếp cận thị trường của từng hộ nông dân riêng lẻ. HTX tập trung được nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo quy trình, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn.
Theo đại diện UBND xã Văn Lăng, hỗ trợ bò thông qua HTX là chương trình thí điểm đầu tiên của xã Văn Lăng và đã đem lại kết quả tốt được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Và đây là cũng bước phát triển lâu dài trong thời gian tiếp theo để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Sự ủng hộ của người dân và đánh giá cao của chính quyền địa phương là minh chứng cho tính hiệu quả và bền vững của mô hình này.
Việc nhiều địa phương, đơn vị, các mô hình chăn nuôi trong tỉnh cũng đã đến học tập mô hình này của xã Văn Lăng sẽ tạo thuận lợi cho việc nhân rộng nhiều hơn nữa mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là việc giảm nghèo cho các hộ khó khăn một cách bền vững. Việc nhân rộng mô hình thành công tại Văn Lăng cho thấy tiềm năng lớn trong việc góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận.
Không chỉ dừng ở việc chăn nuôi bò đơn thuần, đến nay, HTX Bò Mông số 11 con thu hút thêm nhiều thành viên trẻ tham gia và đẩy mạnh đầu tư chế biến thịt bò thành những sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho thị trường và khách du lịch đến Văn Lăng tham quan. Ngoài ra, HTX còn mở rộng sang nuôi gà thả đồi, chim cút, lợn rừng và trùn quế.
Hướng đi đa dạng và bền vững
Bên cạnh mô hình HTX chăn nuôi bò, xã Văn Lăng còn có những HTX hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực khác, góp phần đa dạng hóa sinh kế và tạo thêm nhiều cơ hội giảm nghèo cho người dân. Một ví dụ điển hình là HTX Nông dược và Du lịch cộng đồng Bản Tèn V-Ginseng.
Mô hình HTX này không chỉ tập trung vào sản xuất và chế biến các sản phẩm nông dược có giá trị cao mà còn khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại Bản Tèn. Việc kết hợp nông nghiệp với du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu nhập kép cho các thành viên mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
![]() |
Sâm bố chính ở Bản Tèn không chỉ được trồng để phục vụ khách du lịch mà còn được chế biến thành trà để nâng cao giá trị kinh tế. |
Các thành viên HTX tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu quý hiếm, đồng thời cung cấp các dịch vụ du lịch như homestay, hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu văn hóa ẩm thực địa phương. Sự đa dạng trong hoạt động giúp HTX tạo ra nhiều việc làm và cơ hội tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Văn Lăng mới thành lập năm 2024, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông lâm nghiệp. Vai trò của HTX là cung cấp và hỗ trợ người dân, thành viên các dịch vụ đầu vào và đầu ra để nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo thu nhập và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông-lâm nghiệp tại địa phương
Rõ ràng, những mô hình HTX đã chứng minh được vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững tại xã Văn Lăng. Bởi từ những mô hình này, không ít người dân có được việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định.
Nỗ lực đáng ghi nhận trong giảm nghèo
Từ HTX chăn nuôi bò đến HTX sản xuất dược liệu kết hợp du lịch đều đang phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ, tạo thành một khối kinh tế lớn mạnh hơn, có khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Do đó, theo đánh giá của lãnh đạo xã Văn Lăng, HTX không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân.
Theo thống kê, vào đầu năm 2024, xã Văn Lăng là xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao nhất huyện Đồng Hỷ, với tỷ lệ 30,93%, tương đương 445 hộ nghèo đa chiều (trong đó có 339 hộ nghèo và 119 hộ cận nghèo).
Để đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024, xã Văn Lăng phải giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 13%, tương đương với giảm 237 hộ nghèo và cận nghèo (không bao gồm các hộ không còn khả năng lao động).
Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX, cùng những chính sách phù hợp của huyện Đồng Hỷ nhằm huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân, HTX phát triển kinh tế, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững, đến cuối 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã Văn Lăng đã giảm xuống dưới 13%. Đây là một kết quả quan trọng trong nỗ lực phát triển kinh tế xã hội cũng như giảm nghèo của xã.
Từ thực tiễn này cho thấy, mô hình giảm nghèo thông qua phát triển các HTX hoạt động thực chất tại xã Văn Lăng là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, đã tạo ra những cơ hội việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng một nền kinh tế địa phương vững mạnh. Việc tiếp tục đầu tư, hỗ trợ và phát triển các mô hình HTX hiệu quả sẽ là chìa khóa để Văn Lăng tiếp tục đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Quang Am