Trong những năm qua, huyện Chợ Đồn đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án giảm nghèo, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân, HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Các chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù của địa phương, chú trọng đến việc phát huy tiềm năng sẵn có và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Những bước chuyển mình
Một trong những điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện là việc triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, điện lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng sâu, vùng xa.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Nhiều lớp tập huấn kỹ năng nghề, giới thiệu việc làm đã được tổ chức, giúp người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, tăng thu nhập. Các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng góp phần quan trọng giúp các hộ nghèo và cận nghèo có nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
![]() |
HTX Nghĩa Tá góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thành viên từ cây trà hoa vàng. |
Đặc biệt, nhận rõ vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong hỗ trợ người nghèo có việc làm, nâng cao thu nhập, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với UBND tỉnh và huyện Chợ Đồn triển khai chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực cho các HTX. Theo Quyết định số 2241/QĐ-UBND, một số HTX trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả huyện Chợ Đồn, đã được hỗ trợ kinh phí để thuê cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên, góp phần nâng cao năng lực quản lý và hoạt động của HTX.
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và một số ban ngành, Liên minh HTX tỉnh cũng triển khai Dự án hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Chợ Đồn có 3 HTX được phê duyệt hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này.
Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn phối hợi với các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ cho cán bộ và thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh. Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đơn cử, HTX Nông lâm Nghĩa Tá (xã Nghĩa Tá) được Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ tham gia chương trình OCOP. Trong đó, HTX nhận được sự tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như kết nối và hướng dẫn HTX tham gia chương trình OCOP.
Ngoài ra, HTX Nông lâm Nghĩa Tá nằm trong danh sách các HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực theo Quyết định số 836/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn, từ đó, tạo điều kiện cho HTX phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, người dân.
Trợ thủ đắc lực trong giảm nghèo
Đến nay, mô hình HTX đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công tác giảm nghèo tại huyện Chợ Đồn. Điển hình như HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân (xã Nam Cường) đã cho thấy hướng đi đầy tiềm năng trong việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng. Sản phẩm nổi bật của HTX là Dâu tây Nam Cường, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Để thu được hiệu quả kinh tế, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng vườn dâu tây theo hướng VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm. Bên cạnh việc bán dâu tây tươi, HTX còn khai thác tiềm năng du lịch bằng cách mở cửa vườn cho du khách tham quan, trải nghiệm hái dâu và chụp ảnh. Mô hình này đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt vào dịp cuối tuần và các ngày lễ.
Sản phẩm Dâu tây của HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân đã được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn. Đây là minh chứng cho chất lượng và tiềm năng phát triển của sản phẩm. Việc đạt chứng nhận OCOP cũng tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng và du khách.
Trước hướng phát triển đầy tiềm năng, HTX Toàn Dân là một trong những HTX trên địa bàn huyện được hỗ trợ nguồn nhân lực theo Quyết định số 836/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn. Quyết định này được triển khai với sự phối hợp của Liên minh HTX tỉnh, nhằm hỗ trợ các HTX thuê cán bộ có trình độ, nâng cao năng lực quản lý và hoạt động.
![]() |
HTX Toàn Dân kết hợp giữa sản xuất và du lịch. |
Ngoài ra, để sản phẩm Dâu tây Nam Cường đạt chứng nhận OCOP, HTX cũng nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh trong quá trình xây dựng hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá thương hiệu OCOP. Liên minh HTX tỉnh thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ HTX tham gia xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
Mô hình kinh doanh của HTX Toàn Dân không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn tạo thêm việc làm cho người dân địa phương trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Vườn dâu tây Nam Cường đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh của huyện Chợ Đồn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Còn tại HTX Nông lâm Nghĩa Tá (xã Nghĩa Tá) đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc khai thác tiềm năng nông lâm nghiệp của địa phương, đặc biệt là cây trà hoa vàng - một loại dược liệu quý hiếm.
Nhận thấy giá trị kinh tế và dược liệu to lớn của cây trà hoa vàng mọc tự nhiên tại vùng đất Nghĩa Tá, chị Dương Khánh Ly, Giám đốc HTX, đã mạnh dạn vận động người dân địa phương cùng nhau thành lập HTX vào năm 2019. Mục tiêu chính là quy hoạch vùng trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chế biến, và xây dựng thương hiệu trà hoa vàng Nghĩa Tá, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
HTX Nghĩa Tá đã đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến trà hoa vàng theo quy trình đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, HTX chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên HTX đã tích cực sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và kết nối với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Nhờ nỗ lực không ngừng, sản phẩm trà hoa vàng của HTX Nông lâm Nghĩa Tá đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường. HTX hiện tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng vào thời vụ thu hoạch. Ngoài trà hoa vàng, HTX còn có kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu từ cây trà hoa vàng và các sản phẩm nông lâm nghiệp khác của địa phương như măng nứa sấy khô.
Đến nay, HTX Nghĩa Tá không chỉ là một mô hình kinh tế hiệu quả mà còn là biểu tượng cho sự sáng tạo, ý chí vươn lên và tinh thần hợp tác của người dân Chợ Đồn trong công cuộc phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Câu chuyện thành công của HTX đã truyền cảm hứng và mở ra hướng đi mới cho nhiều HTX khác trên địa bàn huyện.
Những con số biết nói
Không chỉ có hai HTX trên, mà theo thống kê, huyện Chợ Đồn đã có 58 HTX đang hoạt động. Riêng trong năm 2023, có 13 HTX mới được thành lập và đi vào hoạt động. Điều này cho thấy mô hình HTX đang thu hút được sự quan tâm của người dân và lãnh đạo huyện Chợ Đồn. Và mỗi HTX đang hoạt động là những ví dụ điển hình trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các HTX, chính quyền và người dân huyện Chợ Đồn đã mang lại những kết quả hết sức tích cực trong công tác giảm nghèo. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện là 1.454 hộ, chiếm tỷ lệ 10,91%.
So với thời điểm cuối năm 2023, số hộ nghèo đã giảm được 270 hộ, tương ứng với mức giảm 2,13%. Đây là một kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo của huyện và cũng cho thấy đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao trước đây, đã có sự tăng trưởng rõ rệt. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tỷ lệ trẻ em đến trường, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng lên, cho thấy sự tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, huyện Chợ Đồn vẫn còn đối diện với nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo, như địa hình phức tạp, trình độ dân trí ở một số vùng còn hạn chế, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững, tập trung vào việc nâng cao năng lực cho người dân, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác này.
Minh Nhương