Trần Đề là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và trồng lúa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tập quán canh tác lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế nhiều năm liền không cao. Cũng vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại đây từng ở mức báo động, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Chuyển mình từ những cánh đồng
Trước thực trạng đó, huyện Trần Đề đã chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, trong đó trọng tâm là hỗ trợ, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được ban hành như việc Liên minh HTX tỉnh cùng các ban ngành tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn vay ưu đãi, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ nông sản... Những nỗ lực này đang mang lại những tín hiệu tích cực, lan tỏa rộng khắp.
Một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng HTX hiệu quả tại Trần Đề là HTX Đông Đầy (ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới An). Với định hướng sản xuất lúa hữu cơ và liên kết chuỗi giá trị, HTX Đông Đầy không chỉ giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, gia tăng lợi nhuận.
Vụ hè thu năm 2024, HTX được một doanh nghiệp ở Sóc Trăng ký hợp đồng liên kết sản xuất 20 ha lúa giống ST25 theo quy trình hữu cơ. Qua quá trình thực hiện cho thấy cây lúa cứng cáp, ít sâu bệnh, tiết kiệm khoảng 20 kg giống/ha. Đặc biệt, năng suất đạt từ 6,5 – 7 tấn/ha. Với giá bán ổn định, nông dân tham gia mô hình có thể đạt lợi nhuận trên 5 triệu đồng mỗi công đất.
![]() |
Sản xuất lúa hàng hóa là một trong những thế mạnh của Trần Đề. |
Với phương pháp canh tác hiện đại, kỹ thuật được chuyển giao bài bản, lại có đầu ra ổn định, HTX Đông Đầy thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia. Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật và đầu vào, HTX còn đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra theo giá thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.
Tại xã Viên Bình, HTX 1 tháng 5 là mô hình tiêu biểu chuyển đổi từ hình thức canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung. Ban đầu, việc tổ chức lại sản xuất của HTX gặp không ít khó khăn trong việc thay đổi thói quen canh tác lâu đời của người dân địa phương. Tuy nhiên, với phương châm kiên trì vận động, lấy tuyên truyền làm trọng tâm, HTX từng bước tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng thành viên.
Trước khi HTX được thành lập, người dân thường canh tác theo phương thức riêng lẻ, mỗi hộ một giống lúa, thời điểm gieo sạ không đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Không những vậy, sâu bệnh xuất hiện thường xuyên do ruộng manh mún, khiến chi phí đầu tư ngày càng tăng.
Từ khi chuyển sang sản xuất tập trung và chọn giống lúa ST25 làm chủ lực, bà con bắt đầu thay đổi thói quen cũ. HTX hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng hiện đại như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân thuốc, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Từ hiệu quả thực tiễn, nhiều hộ dân đã đồng tình hưởng ứng, tạo nên sự thay đổi tích cực cho cả cộng đồng.
Ông Lâm Phôl, một thành viên HTX và hiện có hơn 50 công đất tham gia canh tác, nhận định: “Tham gia HTX, bà con không còn lo chuyện đầu ra nữa. Chúng tôi được hỗ trợ kỹ thuật, được học cách bón phân đúng liều lượng, sử dụng giống ít mà vẫn đạt năng suất cao. Đặc biệt, nhờ sản xuất tập trung, đồng bộ một loại giống, việc bán ra thị trường thuận lợi hơn và giá cũng tốt hơn”.
Theo ông Phôl, HTX còn đóng vai trò kết nối với tổ chức thu mua ngay tại ruộng, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí vận chuyển, hạn chế rủi ro về giá cả.
Sự chuyển mình của HTX 1 tháng 5 và HTX Đông Đầy là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của kinh tế tập thể. Thay đổi thói quen sản xuất, gắn kết cộng đồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và chú trọng liên kết tiêu thụ đang là hướng đi bền vững giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Giảm nghèo thực chất, bền vững
Theo số liệu thống kê của huyện Trần Đề, đến cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn còn 228 hộ, giảm 495 hộ so với đầu năm (giảm 1,66%). Số hộ cận nghèo cũng giảm 188 hộ, tương đương 0,63%, còn lại 1.025 hộ. Đây là một thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn và chi phí đầu vào ngày càng tăng.
![]() |
Nhiều HTX đã xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp. |
Đại diện ngành nông nghiệp huyện đánh giá HTX là mô hình giúp bà con tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí, tăng thu nhập. Chính vì vậy, huyện cũng chú trọng quan tâm, tạo điều kiện cho các HTX liên kết được với doanh nghiệp, có định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Bên cạnh sản xuất lúa, một số HTX tại Trần Đề còn phát triển thêm các mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng màu, dịch vụ nông nghiệp…, qua đó đa dạng hóa nguồn thu cho người dân. Điển hình như các HTX ở xã Lịch Hội Thượng, Viên An hay Liêu Tú đã bước đầu xây dựng được chuỗi liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản.
“Đòn bẩy” tạo nền tảng phát triển
Để mô hình HTX phát huy hiệu quả, chính quyền huyện Trần Đề đã phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng và các sở, ngành liên quan trong việc tư vấn thành lập HTX mới, tổ chức lại hoạt động cho HTX yếu kém. Hàng chục lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ thuật canh tác tiên tiến được tổ chức mỗi năm để nâng cao năng lực cho cán bộ và thành viên HTX.
Ngoài ra, huyện cũng triển khai các chính sách vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ máy móc, kho bãi, lò sấy, nhà xưởng chế biến… Đặc biệt, việc kết nối cung - cầu giữa HTX với doanh nghiệp được đẩy mạnh thông qua các diễn đàn xúc tiến thương mại, hội chợ sản phẩm OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử…
Nhiều HTX ở Trần Đề đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất như hệ thống tưới tiêu tự động, phần mềm quản lý canh tác, nhật ký điện tử..., từ đó vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng khắt khe.
Sự phát triển của HTX đã góp phần không nhỏ vào tiến trình nâng cao thu nhập cho người dân. Từ địa phương có xuất phát điểm thấp, Trần Đề hiện nay đã trở thành địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người dẫn đầu tỉnh Sóc Trăng với mức khoảng 70 triệu đồng/năm.
Trong đó, các mô hình HTX không chỉ tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, mà còn giúp định hình thói quen sản xuất chuyên nghiệp, bài bản hơn. Nhờ HTX, nông dân dần thoát khỏi tâm lý sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc thương lái, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bền vững.
Tùng Lâm