Đến Văn Yên thời điểm này, có thể thấy rõ được diện mạo, sức sống mới ở phía tây bắc tỉnh Yên Bái. Những con đường đất trước kia giờ đây đã được bê tông hóa; nhiều ngôi nhà tầng mọc lên san sát, thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ, khang trang. Từ Chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện đã có 9/26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu hết năm 2019 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM.
Nhìn từ Lâm Giang
Sau 7 năm triển khai thực hiện, đến nay Lâm Giang đã trở thành xã vùng cao đầu tiên của huyện Văn Yên cán đích NTM. Chia sẻ về công cuộc xây dựng NTM ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Giang Đào Văn Bộ cho biết: Khi mới bắt tay vào triển khai, Lâm Giang gặp muôn vàn khó khăn, chỉ đạt vỏn vẹn 5/19 tiêu chí; đặc biệt, diện tích rộng cộng với đó 1/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số là rào cản lớn nhất lúc bấy giờ.
Từ thực tế đó, Lâm Giang xác định phương châm hành động là tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau. Đến nay, tổng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân trên địa bàn xã Lâm Giang đạt trên 140 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 97,6 tỷ đồng. Kiên cố hóa trên 18km kênh mương; xây mới 7 công trình thuỷ lợi…
Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, Lâm Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, các dự án phát triển kinh tế của tỉnh, của huyện. Các hộ gia đình tích cực tham gia phát triển các mô hình kinh tế, thành lập các tổ, nhóm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau vươn lên làm giàu.
Đáng chú ý, xã cũng đã vận động nhân dân thành lập mới các tổ hợp tác, HTX để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn.
Xã đã quy hoạch và chia làm 3 vùng phát triển kinh tế theo tiềm năng phát triển của từng vùng, bao gồm: Vùng trồng cây lâm nghiệp gắn với chăn nuôi đại gia súc vùng phát triển cây ăn quả và vùng màu phát triển cây truyền thống như ngô, đậu, sắn…
Hiện, Lâm Giang duy trì 44 mô hình chăn nuôi, trong đó có 25 mô hình trâu, bò, 7 mô hình nuôi lợn thịt số lượng từ 35 con trở lên, 6 mô hình chăn nuôi lợn nái từ 10 con trở lên, 11 mô hình nuôi ong lấy mặt, 4 mô hình chăn nuôi dê… Qua đó đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30,2 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã Lâm Giang giảm xuống còn 10,9%.
Chung niềm vui đó, ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Thọ Lâm) phấn khởi bày tỏ, chương trình xây dựng NTM đã mang lại cho quê hương ông nhiều đổi thay tích cực, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Người dân không những được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi mà còn được cán bộ huyện hướng dẫn tận tình quy trình sản xuất sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
![]() |
Văn Yên chú trọng phát triển nông nghiệp và khuyến khích thành lập các HTX |
Chú trọng nâng cao tiêu chí thu nhập
Nhìn từ Lâm Giang có thể khẳng định xây dựng NTM ở Văn Yên thực sự đã có sức lan tỏa đến mỗi người dân, hộ gia đình. Theo ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song công cuộc xây dựng NTM đối với huyện vùng cao như Văn Yên không hề đơn giản. Đó là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ.
Do vậy, huyện xác định cốt lõi xây dựng NTM chính là chất lượng cuộc sống của người dân. Khi đời sống của người dân được cải thiện thì việc xây dựng quê hương giàu đẹp sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong giai đoạn mới này, huyện sẽ tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân bằng việc định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao. Đồng thời, xây dựng tổ hợp tác, các HTX nhằm phát triển hơn nữa ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên tập trung nguồn lực, dự án vào các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Thực hiện tốt việc cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách với lãi suất ưu đãi để người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Đồng thời, để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, huyện khuyến khích hình thành các mô hình liên kết theo hình thức nhóm hộ, trang trại, HTX để hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019, có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, ông Hải cho rằng, các địa phương này phải nhanh chóng dồn lực cho các tiêu chí còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò điều hành của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong xây dựng NTM. Đồng thời, cần học hỏi những kinh nghiệm tốt, cách làm hay của các xã đi trước, nhất là những xã vượt khó, vươn lên đạt chuẩn.
Minh Phạm