Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ và chia sẻ lợi ích là chìa khóa để người dân, đặc biệt là bà con nông dân, có thể đứng vững và phát triển.
Khát vọng liên kết và sức mạnh cộng đồng
Do đó, các HTX quy mô lớn, thu hút nhiều thành viên, hộ liên kết chính là để giải quyết bài toán này. Khác với các HTX truyền thống, những HTX kiểu mới ở Bắc Kạn không chỉ tập trung vào một loại hình sản xuất mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến dịch vụ. Điều này tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, giúp các thành viên đa dạng hóa nguồn thu nhập và giảm thiểu rủi ro.
Một điểm đặc biệt quan trọng là khả năng thu hút số lượng lớn thành viên. Việc nhiều hộ dân cùng tham gia một HTX không chỉ tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, mà còn tăng cường sức mạnh đàm phán trên thị trường, giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc áp dụng các quy trình sản xuất chuẩn hóa. Sức mạnh tập thể này cũng giúp các HTX dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ và thông tin thị trường, những yếu tố mà các hộ sản xuất nhỏ lẻ khó có thể đạt được.
Sự phát triển của các HTX quy mô lớn ở Bắc Kạn không thể tách rời khỏi vai trò hỗ trợ, định hướng của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương. Các đơn vị này đã thực hiện nhiều chính sách, chương trình thiết thực nhằm "tiếp sức" cho các HTX, giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu và từng bước khẳng định vị thế.
Trong đó, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên phối kết hợp với các ngành liên quan tổ chức các khóa đào tạo về quản lý HTX, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, xúc tiến thương mại và kế toán cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX và thành viên. Đây là nền tảng quan trọng giúp các HTX hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các HTX là tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Nhưng Liên minh HTX tỉnh đã đóng vai trò cầu nối, giúp các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm, kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị lớn để đưa sản phẩm của Bắc Kạn vươn xa hơn.
Chính quyền địa phương, thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, đã giúp nhiều HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ, hạ tầng, mở rộng sản xuất. Sự hỗ trợ về công nghệ, hạ tầng như tại HTX công nghệ cao Bắc Kạn Foods (Bạch Thông), HTX Nông nghiệp Thanh Niên Như Cố (Chợ Mới)… giúp các đơn vị này nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
![]() |
HTX Nhung Lũy đi đầu trong sản xuất quy mô lớn. |
Đặc biệt, để sản phẩm có giá trị cao hơn, việc xây dựng thương hiệu và đăng ký chỉ dẫn địa lý là vô cùng cần thiết. Liên minh HTX tỉnh và chính quyền đã hỗ trợ các HTX trong việc này, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản đặc trưng của Bắc Kạn.
Như HTX Tài Hoan đã được hỗ trợ trong việc đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm miến dong. Đây là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, có danh tiếng, chất lượng đặc thù được tạo nên bởi các điều kiện tự nhiên và con người ở khu vực địa lý đó.
Vì thế, việc xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý cho HTX Tài Hoan đã trở thành chiến lược nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh, phát huy những giá trị di sản được hình thành từ điều kiện tự nhiên và văn hóa để nâng cao khả cạnh tranh của sản phẩm truyền thống. Với Chỉ dẫn địa lý này, không chỉ HTX Tài Hoan mà nghề sản xuất miến dong của tỉnh có thêm động lực để phát triển.
Những minh chứng sống động
Sự thành công của nhiều HTX đã cho thấy rõ hơn hiệu quả của việc liên kết sản xuất quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương) là một minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình của nền nông nghiệp địa phương trên quy mô lớn. Khởi nguồn từ một tổ hợp tác với vỏn vẹn 10 thành viên chuyên sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa và trồng rừng, HTX đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn từ các sản phẩm truyền thống của vùng đất Ba Bể như lạp sườn, thịt lợn treo gác bếp, quả mắc mật sấy khô, và đặc biệt là bí xanh thơm vốn chỉ được người dân giao dịch nhỏ lẻ, chưa có kênh phân phối bài bản.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của HTX Nhung Lũy đã được đền đáp xứng đáng. Tính đến năm 2023, HTX đã có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Điều này không chỉ khẳng định chất lượng và giá trị của nông sản Ba Bể mà còn góp phần nâng cao uy tín cho thương hiệu của HTX trên thị trường. Đặc biệt, từ 10 thành viên ban đầu, HTX đã phát triển lên 20 thành viên chính thức, với mức thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng, mang lại cuộc sống ổn định hơn cho bà con nông dân.
![]() |
HTX Như Cố thu hút nhiều thanh niên, người dân sản xuất trên quy mô lớn, đa dạng ngành nghề. |
Không dừng lại ở đó, để duy trì và mở rộng nguồn nguyên liệu ổn định, HTX Nhung Lũy đã thực hiện chiến lược liên kết bền vững. Hiện tại, HTX đã thành lập 36 tổ hợp tác với tổng số 400 thành viên, trong đó có 164 hộ nghèo và cận nghèo. Các hộ gia đình này được HTX hỗ trợ toàn diện về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, đồng thời được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra, tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững. Mô hình này không chỉ giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất mà còn đảm bảo đầu ra, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ngoài HTX Nhung Lũy, HTX Thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới) đang khẳng định vị thế là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế tập thể theo hướng quy mô lớn, bền vững. Đặc biệt, HTX đã đạt được những thành công đáng kể trong việc thu hút ngày càng nhiều thanh niên và hàng chục hộ dân địa phương tham gia liên kết trồng rau màu, nuôi ong, sản xuất bún khô, chè xanh, mướp đắng… góp phần tạo nên một làn sóng phát triển mới cho vùng.
Được thành lập với mục tiêu ban đầu là tập hợp thanh niên địa phương cùng phát triển kinh tế, HTX Thanh niên Như Cố đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động. Từ những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, HTX đã đầu tư vào công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng các sản phẩm chủ lực như cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu và chăn nuôi tổng hợp.
Để cạnh tranh và phát triển bền vững, các thành viên HTX xác định không thể mãi dừng lại ở sản xuất nhỏ lẻ. Việc mở rộng quy mô, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại và liên kết chuỗi giá trị là yếu tố then chốt. Nhờ đó, sản phẩm của HTX không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các thị trường lớn hơn.
Một trong những điểm sáng nổi bật của HTX Thanh niên Như Cố chính là khả năng thu hút và giữ chân thành viên, đặc biệt là các bạn trẻ. Với chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm, HTX đã tạo ra môi trường làm việc năng động, sáng tạo và mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Nhiều thanh niên sau khi tham gia HTX đã có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề và trở thành những hạt nhân quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thành công của HTX Thanh niên Như Cố không chỉ nằm ở việc tăng trưởng sản xuất mà còn ở việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong công cuộc nâng cao giá trị kinh tế nông thôn, giảm nghèo. Đây là mô hình đáng để các địa phương khác học tập và nhân rộng, đặc biệt trong bối cảnh khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và nâng cao vai trò của thanh niên trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy giảm nghèo bền vững
Những câu chuyện thành công từ các HTX quy mô lớn ở Bắc Kạn là minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Các HTX này không chỉ đơn thuần giúp tăng thu nhập cho thành viên mà còn góp phần tạo việc làm và sinh kế ổn định, từ đó giảm tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.
Các HTX như HTX Phja Bjoóc, HTX công nghệ cao Bắc Kạn Foods… đang góp phần đưa nông sản địa phương lên một tầm cao mới, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Không đâu xa, để áp dụng công nghệ sấy hơi để sản xuất các sản phẩm sấy khô như hoa hồi, nghệ, gừng thái lát, măng nứa, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao BK FOOD (Bạch Thông) đã liên kết với rất nhiều hộ gia đình để bao tiêu, thu mua các loại nông sản phục vụ chế biến. Các sản phẩm của BK FOOD đã vươn ra thị trường quốc tế như Anh và Mỹ, cho thấy quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao. HTX đã đầu tư nồi hơi công suất lớn để nâng cao năng suất, khẳng định tiềm năng phát triển quy mô lớn.
Hay HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) đã liên kết với hàng chục hộ gia đình ở trên địa bàn tỉnh để thu mua nghệ, miến dong và nhiều loại nông đặc sản khác để chế biến kết hợp làm du lịch cộng đồng.
Rõ ràng, những HTX này đã và đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động thường xuyên và thời vụ, từ đó cho thấy tiềm năng phát triển quy mô và đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo đa chiều từ 2-2,5% mỗi năm của tỉnh.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các HTX quy mô lớn ở Bắc Kạn không chỉ là những mô hình kinh tế mà còn là biểu tượng của ý chí vươn lên, của khát vọng thịnh vượng từ chính bàn tay và khối óc của người dân địa phương.
Với sự đồng hành của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền các cấp, hy vọng rằng những mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng nghìn hộ gia đình.
Trí Chiến