Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo khó của huyện Quan Sơn, quanh năm người dân sống bằng nương rẫy, song với tinh thần vượt khó cùng ý chí vươn lên làm giàu, cô gái trẻ người Mường - Lương Thị Lực (sinh năm 1990) và chồng là anh Phạm Ngọc Thanh (quê Yên Bái) - cả hai vợ chồng đều tốt nghiệp Trường Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, quyết định chuyển hướng sang nghề nuôi cá tầm tại chính quê hương mình - bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn.
Thành công từ nuôi cá tầm, thỏ...
Chị Lực chia sẻ, nơi chị sinh ra người dân chỉ biết làm nghề nương rẫy, thu nhập thấp nhưng bù lại, vùng núi cao đó lại có suối Sủa - nguồn nước mát lạnh từ rừng nguyên sinh về. Tận dụng nguồn nước tự nhiên, chị Lực cùng chồng tìm hiểu và nuôi thí nghiệm phát triển nghề nuôi cá tầm.
![]() |
Cô gái trẻ người Mường - Lương Thị Lực huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) bên hồ nuôi cá tầm của gia đình. |
Nhận thấy điều kiện phù hợp, vợ chồng chị quyết tâm mở rộng diện tích các bể nuôi. Năm 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thanh Lực được thành lập và cùng năm đó sản phẩm cá tầm cũng đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Năm 2024 vừa qua, gia đình chị nuôi 20.000 con, đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu về 600 triệu đồng. Trang trại nuôi cá tầm của chị Lực cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Tại huyện Thường Xuân, anh Cầm Bá Thành (sinh năm 1990), người dân tộc Thái ở xã Xuân Chinh – thành viên HTX chăn nuôi và chế biến thỏ Hoàng An với 7 thành viên. Sau gần 10 năm gắn bó với công việc này, anh dần tích luỹ kinh nghiệm, trở thành một "chuyên gia nuôi thỏ", sẵn sàng chia sẻ với các thành viên khác để cùng nhau phát triển.
Anh Thành cho hay, anh là cử nhân ngành Quản lý giáo dục, sau một thời gian làm công việc hành chính song cũng đã quyết định về quê lập nghiệp và "bén duyên" với nghề nuôi thỏ. Hiện, riêng gia trại của Thành đang nuôi gần 1.000 con thỏ. Anh có kế hoạch sẽ mở rộng chăn nuôi trong thời gian tới, khi quy trình chế biến sản phẩm từ thịt thỏ của HTX Hoàng An hoàn thiện và được cấp phép.
“Trung bình mỗi năm, HTX đã xuất bán được hơn 20 tấn thịt thỏ ra thị trường với giá dao động 80 triệu đồng/tấn với doanh thu hơn 1,6 tỷ đồng. Bước đầu, đánh giá của người tiêu dùng đối với các sản phẩm từ thịt thỏ là rất tích cực”… anh Thành chia sẻ.
Với quyết tâm cao và hướng đi đúng, tin tưởng rằng trong tương lai không xa, những thành viên HTX Hoàng An không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn tạo cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều người trẻ trên quê hương mình.
Thành công vì không ngại khó
Có thể thấy, những năm gần đây, nhiều thế hệ trẻ của huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã và đang trở thành tấm gương sáng, đóng góp sức trẻ của mình trong việc phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế địa phương, từng bước thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo.
Tại mỗi địa phương, chính quyền địa phương cùng Liên minh HTX tỉnh đã tích cực khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Cũng nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, mô hình nuôi cá tầm tại HTX Thanh Lực không chỉ mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ cho gia đình và tạo được việc làm cho hàng chục lao động địa phương... mà còn đang tác động, lan tỏa giúp nhiều gia đình trẻ trên địa bàn thay đổi tư duy, mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế ngay tại nơi mình sinh sống để làm giàu... Trên thực tế, đến nay đã có 4 hộ gia đình trong huyện đã được vợ chồng chị Lực tận tình hỗ trợ cá giống, thức ăn và chia sẻ kĩ thuật nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế.
![]() |
Trung bình mỗi năm, HTX chăn nuôi và chế biến thỏ Hoàng An xuất bán được hơn 20 tấn thịt thỏ ra thị trường. |
Từ thực tiễn cho thấy, việc triển khai các mô hình kinh tế giảm nghèo ở miền núi xứ Thanh đã làm thay đổi căn bản đời sống đồng bào DTTS, giúp đồng bào ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, từ đó nhân lên niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng núi, biên giới của Tổ quốc.
Đại diện UBND huyện Quan Sơn cho biết, HTX dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thanh Lực của gia đình chị Lực là mô hình tiên phong nuôi cá tầm trên địa bàn huyện. Tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn huyện rất lớn, bởi lợi thế nguồn nước suối dồi dào, nhiệt độ lạnh quanh năm. Nếu tận dụng được thì sẽ là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho người dân.
“Vì nuôi cá tầm cần nguồn vốn nên hiện nay người dân địa phương vẫn chưa nhân rộng được. Rất mong trong thời gian tới sẽ có thêm những doanh nghiệp, HTX mạnh dạn đầu tư để phát huy tiềm năng sẵn có”, vị đại diện huyện Quan Sơn nói.
Đẩy mạnh tập huấn, nhân rộng các mô hình hiệu quả
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá có nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế của địa phương.
Thực tế cho thấy, dưới sự hướng dẫn, định hướng của Liên minh HTX tỉnh, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và địa phương, hằng năm, tỉnh thành lập mới hơn 50 HTX, kết nạp mới gần 2.000 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông - vận tải... với thu nhập bình quân đạt hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, vai trò của Liên minh HTX tỉnh tiếp tục được khẳng định là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Nhiều HTX trong tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, kết nối, xây dựng chuỗi tiêu thụ để đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Từ đó, thúc đẩy người dân đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ từ chính sách để vươn lên thoát nghèo.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những tấm gương trẻ khởi nghiệp thành công từ làng nghề truyền thống như những tấm gương kể trên, đã và đang góp phần ổn định đời sống, lan tỏa tinh thần sáng tạo cho nhiều thế hệ trẻ kế cận, đồng thời tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.930 tổ hợp tác, 1.266 HTX (trong đó có 790 HTX nông nghiệp, 158 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 102 HTX thương mại - dịch vụ) và 118 làng nghề hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho khoảng 192.000 lao động tại địa phương. Trong đó, nhiều mô hình HTX kiểu mới góp phần xóa đói, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sự phát triển của khu vực KTTT, HTX đã góp phần giảm tỉ lệ nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, 11 huyện miền núi còn 14.911 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ là 6,30%) và 26.340 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 11,13%). So với năm 2023, khu vực miền núi của tỉnh giảm 4,73% hộ nghèo và giảm 2,94% hộ cận nghèo. Riêng hộ nghèo người DTTS ở 11 huyện miền núi giảm 6,73% so với năm 2023; hộ cận nghèo người DTTS giảm 3,42%.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh: "Liên minh HTX tỉnh tiếp tục làm tốt công tác rà soát, lựa chọn các dự án giảm nghèo phù hợp và các đơn vị liên kết thực hiện có năng lực, uy tín để thực hiện tại các huyện khó khăn của tỉnh. Cùng với đó, thông qua các dự án sẽ lồng ghép các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người nghèo có kiến thức chăm sóc mô hình phát huy hiệu quả. Từ đó, không chỉ trao “con cá” mà còn hỗ trợ người dân vùng khó khăn chiếc "cần câu” để người dân thoát nghèo bền vững.
Hồng Hương