Đồng hành cùng sự phát triển của các HTX cùng quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương trong tỉnh là những chính sách thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam và sự sát sao hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Từ “tự phát” đến hình mẫu
Cách trung tâm huyện Lâm Bình khoảng 30 phút đi xe, thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm) giờ đây không còn là vùng quê lặng lẽ nép mình dưới chân núi. Nơi đây đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước nhờ mô hình du lịch cộng đồng đặc sắc của HTX Homestay 99 ngọn núi – một trong những HTX tiên phong tại địa phương trong việc gắn kết nông nghiệp và du lịch.
“Ban đầu chỉ là một hộ làm homestay tự phát, mình cũng chưa biết gì về du lịch bền vững, cũng không nghĩ tới liên kết sản xuất. Nhưng khi chuyển sang mô hình tổ hợp tác, rồi phát triển thành HTX vào tháng 7/2023, mọi thứ dần bài bản, chuyên nghiệp hơn” – anh Hỏa Văn Ba, Giám đốc HTX chia sẻ.
![]() |
Du lịch cộng đồng là hướng đi thoát nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở Tuyên Quang. |
Từ một cơ sở nhỏ lẻ, HTX giờ đây là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới du lịch của xã. Ngoài dịch vụ lưu trú truyền thống, HTX còn tổ chức các trải nghiệm tắm lá thuốc, chèo thuyền kayak, đi thuyền ngắm sông Gâm, tham quan làng nghề, thưởng thức đặc sản địa phương…
Đặc biệt, HTX đã chủ động liên kết với các hộ dân xung quanh để nuôi gà đồi, trồng rau rừng sạch cung cấp cho bữa ăn của du khách. Nhờ đó, chuỗi giá trị du lịch được kéo dài, giúp nhiều hộ dân trong vùng có thêm việc làm và thu nhập ổn định.
Trung bình mỗi năm, HTX Homestay 99 ngọn núi đón khoảng 3.000 lượt khách, đem lại nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên – một con số rất đáng kể so với mặt bằng thu nhập vùng cao trước đây.
Không chỉ riêng HTX Homestay 99 ngọn núi, xu hướng kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều huyện miền núi của Tuyên Quang như Na Hang, Yên Sơn, Hàm Yên… Đáng chú ý là các HTX đều có sự chuyển mình nhờ mô hình liên kết – không chỉ giữa các hộ trong HTX mà còn giữa HTX với nhau.
Liên kết – chìa khóa thành công
HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) là một ví dụ tiêu biểu. Giữa những triền núi mờ sương, chè Shan tuyết nơi đây từng chỉ là sản phẩm bán ra chợ. Nhưng khi du lịch phát triển, HTX nhanh chóng nắm bắt xu hướng, tổ chức các tour trải nghiệm “một ngày làm nông dân hái chè”, check-in giữa đồi chè cổ thụ. Đồng thời, sản phẩm chè đóng gói cũng được trưng bày ngay tại các điểm homestay đối tác.
“Trước đây, bán chè khá chật vật, nhưng nhờ làm du lịch, sản phẩm bán được nhiều hơn, giá bán tăng 30% so với trước” – ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết.
Tương tự, HTX chè Sử Anh (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn) không chỉ chế biến chè sạch mà còn tổ chức các buổi trải nghiệm hái chè, sao chè thủ công để du khách hiểu hơn về nông nghiệp địa phương.
Sự hình thành các mô hình liên kết giữa HTX – hộ dân – doanh nghiệp dịch vụ du lịch đang dần tạo nên một “hệ sinh thái” kinh tế nông thôn mới, nơi người dân không chỉ là người sản xuất mà còn là chủ thể khai thác giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa một cách bền vững.
Sự phát triển của các HTX tại Tuyên Quang trong thời gian qua không thể thiếu vai trò định hướng, hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Không chỉ dừng ở việc thành lập HTX, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang còn tham gia sâu vào quá trình xây dựng năng lực, chuyển giao kỹ thuật, tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Riêng HTX Homestay 99 ngọn núi đã được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao, hiện đang hoàn tất thủ tục nâng hạng 5 sao – một bước tiến lớn giúp HTX nâng tầm thương hiệu và mở rộng thị trường. Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cũng là đơn vị kết nối, đưa HTX này tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng là hướng đi được tỉnh Tuyên Quang định hướng trong thời gian tới. |
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX, chủ hộ kinh doanh cũng được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang triển khai đều đặn. Những nội dung như xây dựng tour tuyến, marketing du lịch nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số, quản trị nhân lực... đang giúp các HTX chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang cách làm chuyên nghiệp.
Không dừng lại ở đó, Liên minh HTX Việt Nam còn đẩy mạnh tổ chức các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho HTX, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch nông thôn – một lĩnh vực còn tương đối mới và thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.
Quy hoạch bài bản để vươn xa
Dù đã đạt được những thành tựu ban đầu, song thực tế cũng cho thấy hoạt động du lịch gắn với HTX ở Tuyên Quang vẫn còn nhiều thách thức. Đa phần các mô hình hiện nay mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu sự kết nối với hệ thống du lịch chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch trải nghiệm chủ yếu được thiết kế thủ công, chưa được chuẩn hóa theo nhu cầu thị trường.
Một số HTX vẫn còn lúng túng trong việc tiếp cận công nghệ, xây dựng thương hiệu và quảng bá trên nền tảng số. Hạ tầng kỹ thuật ở một số xã vùng sâu còn yếu, cản trở việc đưa khách đến trải nghiệm. Ngoài ra, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về du lịch, dịch vụ cũng là rào cản lớn.
Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực cho HTX, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, ngành văn hóa – du lịch, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp lữ hành để quy hoạch, đầu tư và hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp – cộng đồng bài bản, hấp dẫn hơn.
Tuy còn không ít khó khăn, nhưng điều dễ thấy nhất là sự thay đổi trong đời sống của người dân vùng cao nơi có HTX hoạt động. Trước đây chỉ làm nương rẫy, thu nhập bấp bênh theo mùa vụ, thì nay bà con được hưởng lợi từ các mô hình du lịch – nông nghiệp kết hợp.
Nhiều thanh niên không còn phải rời quê đi làm xa, thay vào đó ở lại làm hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên phục vụ tại chính các HTX hay homestay trong vùng.
Chị Lê Thị Hạnh, một thành viên của HTX Homestay 99 ngọn núi chia sẻ: “Mỗi tháng thu nhập từ nấu ăn và hướng dẫn khách du lịch khoảng hơn 7 triệu đồng. Có thêm tiền, mình sửa nhà, cho con đi học và đầu tư mở thêm vườn rau sạch cho HTX”.
Khi những đồi chè, những căn nhà sàn, món ăn dân tộc và nếp sống vùng cao trở thành sản phẩm du lịch có giá trị, người nông dân không còn là người đứng ngoài cuộc phát triển, mà chính là người kiến tạo tương lai. Và HTX, với vai trò hạt nhân, đang mở ra một hướng đi bền vững cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Tuyên Quang – từ bản làng nhỏ cho tới toàn tỉnh.
An Chi