Có thể nói, hoạt động truyền thông chưa thực sự hiệu quả dẫn đến những hạn chế trong việc quảng bá giá trị sản phẩm, thu hút thành viên và mở rộng thị trường của HTX.
Hiệu quả của “thay áo mới”
HTX Dược liệu Đức Huy (Quảng Nam) chuyên cung cấp các nông đặc sản núi rừng địa phương được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng không hề thua kém các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược truyền thông hiệu quả và khó khăn về nguồn vốn, phần lớn sản phẩm của HTX chỉ có thể tiêu thụ thông qua các kênh truyền thống như chợ địa phương hoặc bán trực tiếp tại trụ sở.
HTX cũng chưa có website, fanpage, hay hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Kết quả là, sản phẩm của HTX dù tốt nhưng vẫn bị “chìm” giữa vô vàn lựa chọn khác, doanh thu không ổn định và khó mở rộng quy mô sản xuất. Các thành viên HTX, chủ yếu là nông dân lớn tuổi, cũng thiếu kiến thức và kỹ năng để tự mình thực hiện các hoạt động truyền thông.
![]() |
Truyền thông hiệu quả giúp HTX Mường Hoa thu được "trái ngọt" trong quá trình hoạt động. |
Có thể thấy, hệ lụy của việc thiếu truyền thông không chỉ dừng lại ở vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Việc này còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút thành viên mới, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, những người có kiến thức và kỹ năng, có thể đóng góp vào sự đổi mới và phát triển của HTX. Khi thông tin về tiềm năng, lợi ích và cơ hội phát triển trong HTX không được truyền tải một cách hấp dẫn và rộng rãi, giới trẻ thường có xu hướng lựa chọn các loại hình kinh tế khác để "đầu quân".
Bên cạnh đó, sự thiếu vắng tiếng nói trên các phương tiện truyền thông cũng khiến HTX gặp khó khăn trong việc tạo dựng hình ảnh tích cực trong cộng đồng, với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều người vẫn còn có những định kiến hoặc hiểu lầm về bản chất và vai trò của HTX trong nền kinh tế hiện đại. Điều này gây trở ngại không nhỏ trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn và các chương trình phát triển của Nhà nước.
Tuy nhiên, bức tranh truyền thông của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX không hoàn toàn ảm đạm. Vẫn có những điểm sáng, những mô hình HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông và mạnh dạn đầu tư, thu được những thành công đáng khích lệ.
Tiêu biểu như HTX chè Hảo Đạt (Thái Nguyên) đang nhận được những "vị ngọt" khi có kế hoạch và đầu tư xứng đáng cho hoạt động truyền thông. Việc đẩy mạnh truyền thông đã giúp HTX khẳng định được thương hiệu, thu hút khách du lịch đến tham quan. Ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua, HTX đã thu hút gần 2.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, mang lại sự thành công về mặt kinh tế và quảng bá cho chính HTX, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển du lịch nói chung của Thái Nguyên.
Tại Lào Cai, HTX Du lịch Cộng đồng Mường Hoa trước đây chủ yếu dựa vào truyền miệng để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm văn hóa và cảnh quan của bản làng. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng phát triển lớn hơn, các thành viên HTX đã quyết định đầu tư nghiêm túc vào hoạt động truyền thông một cách toàn diện cùng với sự hỗ trợ đắc lực của tổ chức quốc tế và một số dự án.
HTX đã thiết kế website chuyên nghiệp với hình ảnh đẹp, thông tin chi tiết về các dịch vụ du lịch cộng đồng, các hoạt động văn hóa đặc sắc và câu chuyện về cuộc sống của người dân địa phương. HTX cũng tích cực sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram để chia sẻ hình ảnh, video hấp dẫn, tương tác với khách hàng tiềm năng và xây dựng cộng đồng những người yêu thích du lịch trải nghiệm.
Bên cạnh đó, HTX Mường Hoa còn chú trọng đến việc xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo, làm nổi bật giá trị văn hóa bản địa, sự thân thiện và trách nhiệm với cộng đồng. HTX hợp tác với các blogger du lịch, các trang báo mạng uy tín để quảng bá hình ảnh và thu hút sự chú ý của du khách. HTX cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, các hoạt động trải nghiệm thực tế để tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách.
Kết quả là, HTX Mường Hoa đã có sự tăng trưởng vượt bậc về lượng khách du lịch, doanh thu tăng đáng kể, đời sống của các thành viên được cải thiện rõ rệt. Hình ảnh của HTX cũng trở nên chuyên nghiệp và uy tín hơn trong mắt du khách và các đối tác.
Câu chuyện thành công của HTX Mường Hoa, HTX Hảo Đạt đã truyền cảm hứng cho nhiều HTX khác trong khu vực KTTT và cho thấy rằng, truyền thông hiệu quả chính là “chìa khóa” để mở ra những cơ hội phát triển mới.
Truyền thông cần mang tính hệ thống
PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết vai trò của KTTT, HTX hiện nay phải được khẳng định rõ ràng không chỉ với cộng đồng người dân, cơ quan quản lý mà với cả các doanh nghiệp. Có như vậy mới tăng cường được khả năng kết nối giữa HTX với doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ những khó khăn cho HTX và hình thành được những chuỗi giá trị bền vững.
Tại Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… đều có hệ thống kết nối giữa ngành du lịch với các HTX và đây là yêu cầu của chính phủ các nước này. Do truyền thông tốt về các mô hình và vai trò của HTX nên khách du lịch hầu như đều đến tham quan, trải nghiệm và mua các sản phẩm của các điểm du lịch, trong đó có cả cơ sở sản xuất của HTX.
“Điều này có nghĩa là vấn đề truyền thông của họ rất tuyệt vời, giúp kết nối chuỗi giá trị từ sản xuất đến người mua rất tốt”, PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh nhấn mạnh. Chuyên gia này dẫn chứng về củ sâm ở Hàn Quốc nếu bán tại ruộng thường có giá đắt gấp 3 lần so với bán ở chợ. Do khâu truyền thông hiệu quả, làm nổi bật được quy trình, công dụng, đặc điểm nổi bật của củ sâm do người dân, HTX sản xuất, từ đó giúp tăng giá trị sản phẩm.
“Sự chênh lệch này là do truyền thông mang lại. Và truyền thông cũng chính là một ngành kinh tế. Nó nằm trong chuỗi giá trị và mang lại hiệu quả cho chuỗi giá trị hàng hóa’, PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại Việt Nam, vấn đề này chưa được coi trọng nên cần xây dựng một hệ thống truyền thông từ địa phương đến trung ương cho khu vực KTTT, HTX một cách bài bản. HTX là những đơn vị đang làm ra những sản phẩm, hàng hóa thật, có giá trị cao như sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn, các sản phẩm đã qua chế biến, có chứng nhận... Do đó, truyền thông không chỉ giúp hiểu đúng về vai trò của mô hình HTX mà còn giúp các HTX bán hàng tốt hơn trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử. Điều này cũng giúp hệ thống chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam được phát triển bền vững và thu hút người dân vào HTX.
Theo các chuyên gia, hiện ở Việt Nam mới chú trọng truyền thông nội bộ, chưa chú trọng truyền thông quốc gia, truyền thông đối ngoại nên hiệu quả để giúp các HTX vươn tầm là chưa thực sự cao. Khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn chưa biết tìm chỗ nào để mua được những nông sản, hàng hóa đảm bảo chất lượng, có tính đặc trưng cao, trong khi các HTX, tổ hợp tác đang là một trong những chủ thể làm ra những sản phẩm này.
Huyền Trang