Được sự hỗ trợ của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam, HTX Nhà Xanh toàn cầu đã hợp tác với các nhà khoa học thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế và Trung Tâm chuyển giao công nghệ & Khuyến nông thí điểm trồng thành công 10 ha cây chia đạt chất lượng cao do phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu huyện Than Uyên.
Phát triển vùng sản xuất cây chia
Qua nghiên cứu và trồng thí nghiệm thực tế tại nhiều nơi, HTX Nhà xanh toàn cầu đã xác định Than Uyên là địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của bà con để quy hoạch phát triển thành vùng sản xuất cây chia.
UBND huyện Than Uyên đã tiến hành rà soát những diện tích đất và vận động bà con chuyển đổi cây trồng năng suất, chất lượng kém sang trồng cây chia, từng bước đưa cây chia trở thành cây trồng chủ đạo tại địa phương. Đến nay, huyện Than Uyên đã trồng được 12ha cây chia tại các xã Mường Than, Mường Cang, Mường Kim, Tà Mung. Cuối năm 2025 tiếp tục mở rộng diện tích lên 20ha, năm 2026 tiếp tục mở rộng diện tích từ 40 – 50ha.
![]() |
Than Uyên từng bước đưa cây chia trở thành cây trồng chủ đạo tại một số địa phương. |
Lãnh đạo UBND huyện Than Uyên cho biết, kết quả bước đầu cho thấy cây chia mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất trung bình đạt gần 8 tạ/ha với giá 100 nghìn đồng/kg.
Tà Mung là xã vùng cao của huyện Than Uyên, đời sống của bà con còn khó khăn, nhiều diện tích đất ruộng của xã chỉ gieo cấy được một vụ lúa do thiếu nước. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua xã Tà Mung đã vận động nhân dân đưa cây chia vào gieo trồng trên những diện tích đất kém hiệu quả, đến nay cây chia đã chuẩn bị cho thu hoạch mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân.
Hiện, mô hình trồng chia lấy hạt được trồng tại các bản: Hô Ta, Tà Mung, Lun 1 với diện tích 4ha. Cây chia được trồng vào khoảng tháng 10 âm lịch, từ lúc gieo giống đến khi thu hoạch khoảng 3,5 - 4 tháng. Trước khi trồng, cán bộ HTX Nhà xanh toàn cầu và các cơ quan chuyên môn huyện Than Uyên đã trực tiếp làm việc với cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Tà Mung để khảo sát diện tích trồng cây chia, cung cấp giống, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây chia từ khi gieo trồng đến thu hoạch. Nhờ làm tốt quy trình trồng, chăm sóc cây chia phát triển tốt, năng suất đạt 9 tạ/ha. Trong năm 2025, UBND xã tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích, dự kiến thực hiện 10ha.
Theo chị Sùng Thị Chua ở bản Hô Ta, xã Tà Mung, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi 3.000m2 đất lúa sang trồng cây chia. Dù là năm đầu tiên trồng thử nghiệm nhưng sản lượng thu được khá cao: gần 300kg hạt. Mừng nhất là không phải lo đầu ra vì HTX Nhà xanh toàn cầu đã thu mua toàn bộ sản lượng hạt chia khô với giá 100 nghìn đồng/1kg.
Lãnh đạo UBND huyện khẳng định, việc đưa cây chia vào trồng tập trung trên địa bàn huyện Than Uyên góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái và bền vững.
Trồng chè theo hướng hữu cơ
Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là bước đi mới trong phát triển kinh tế của Tà Mung. Bên cạnh việc phát triển vùng sản xuất cây chia, thời gian qua xã đã vận động các hộ trồng chè trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Đây được xem là hướng phát triển bền vững cho cây chè, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trên địa bàn xã Tà Mung hiện có 338,11ha chè, trong đó có 310ha chè kinh doanh. Với mục tiêu phát triển cây chè theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường, cuối năm 2023 cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen canh tác truyền thống sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Theo đó, bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới và giảm dần sử dụng hóa chất, thay bằng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học an toàn trong sản xuất chè. Xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật.
Đến nay, toàn xã Tà Mung có 50ha chè được chăm sóc theo hướng hữu cơ tập trung ở các bản: Lun, Pá Liềng, Hô Ta…
Anh Lò Văn Nan ở bản Pá Liềng chia sẻ, khi được vận động chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, gia đình anh còn e ngại. Bởi sản xuất chè theo hướng này đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón vô cơ, thay vào đó là phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Bên cạnh đó, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, năng suất giảm trong giai đoạn đầu, nguồn thu của gia đình cũng vì thế mà giảm sút. Nhưng bù lại, chè có giá cao và an toàn hơn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên anh lại cố gắng. Đến nay, cây chè đang dần hồi phục, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế.
Không riêng gì anh Nan, trong quá trình canh tác, bà con xã Tà Mung còn được tham gia các lớp tập huấn, được hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng đúng quy trình trồng chè. Ngoài ra, bà con phấn khởi vì đầu ra cũng ổn định do có liên kết với doanh nghiệp, HTX thu mua.
HTX Chè Tà Mung hoạt động theo chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu, thu hái đến chế biến và tiêu thụ. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp, HTX đã đưa sản phẩm chè Tà Mung ra thị trường Hà Nội, TP.HCM và xuất khẩu sang một số nước châu Á.
Đặc biệt, HTX Chè Tà Mung còn chú trọng bảo tồn giống chè cổ, sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm. Thành công của HTX không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng thay đổi tư duy sản xuất, khơi dậy tinh thần làm chủ của thành viên, người lao động.
Chị Lò Thị Mẩy (người Dao) cho hay, nhờ sự dẫn dắt của HTX Chè Tà Mung, chị cùng hàng trăm hộ dân trong vùng đã có công việc ổn định quanh năm. “Ngày thường thì hái chè, lúc rảnh thì phụ chế biến, đóng gói. Mỗi tháng tôi cũng được hơn 4 triệu, lại gần nhà nên chăm con cũng tiện”, chị Mẩy vui vẻ nói.
![]() |
Bà con xã Tà Mung được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng đúng quy trình trồng chè hữu cơ. |
Ông Đoàn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung cho biết: Triển khai thực hiện chăm sóc chè theo hướng hữu cơ đã từng bước thay đổi nhận thức của bà con trong việc sản xuất chè sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đến nay, hơn 10,5 ha chè tại xã đã đạt chứng nhận VietGAP, mở ra cánh cửa cho những sản phẩm chè an toàn, chất lượng. Đặc biệt, với việc được cấp mã số vùng trồng trên diện tích 11,83 ha, Tà Mung đã đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường xây dựng thương hiệu chè riêng của địa phương.
Thời gian tới, xã tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích chăm sóc chè theo hướng hữu cơ. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người nông dân, góp phần lớn cho công cuộc giảm nghèo.
Tà Mung “thay da đổi thịt”
Nếu như cách đây 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tà Mung lên đến hơn 60%, thì đến năm 2024, con số này đã giảm mạnh, chỉ còn 12,83%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 45,45 triệu đồng/năm, đưa Tà Mung từ một vùng quê nghèo khó vươn lên trở thành một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của huyện Than Uyên.
Về Tà Mung hôm nay có thể nhận thấy rõ sự “thay da, đổi thịt”. Những con đường bê tông trải dài từ đường trục chính của xã đến các ngõ bản, khu sản xuất. Những nếp nhà khang trang ngày càng mọc lên tô điểm cho bản thêm đẹp tươi.
Lãnh đạo UBND xã Tà Mung cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục vận động bà con địa phương mở rộng diện tích vùng chè hữu cơ và cây chia, nhằm nâng cao thu nhập gia đình.
Theo kế hoạch, năm 2025, xã tiếp tục vận động nhân dân trồng thêm 5ha chè; tuyên truyền bà con mở rộng diện tích vùng chè hữu cơ, nhằm nâng cao thu nhập gia đình, bởi giá bán chè hữu cơ tăng gấp đôi, gấp ba lần so với chè chăm sóc truyền thống.
Trong khi đó, với cây chia, năm 2025, xã Tà Mung tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích, dự kiến thực hiện 10ha.
Bên cạnh đó, huyện và xã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam,Liên minh HTX tỉnh mở thêm nhiều lớp tập huấn giúp bà con nâng cao kiến thức canh tác. Đồng thời, thành lập thêm HTX để liên kết ổn định đầu ra, giúp bà con yên tâm mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống.
Ngọc Giang