Theo đánh giá của các thương lái và doanh nghiệp thu mua, vải thiều Đắk Lắk vụ mùa năm nay có mẫu mã đẹp, quả to tròn, vỏ mỏng, cùi dày và đạt độ ngọt tiêu chuẩn. Đặc biệt, vải chín sớm hơn so với các tỉnh khác, giúp sản phẩm có lợi thế chiếm lĩnh thị trường và được bán với giá cao.
Điểm sáng ở Ea Sar
Sau 6 năm gắn bó với cây vải, bà Vũ Thị Nan (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) nhận thấy loại cây ăn quả này không chỉ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Một trong những lợi thế lớn là thời điểm thu hoạch vải ở khu vực này thường diễn ra sớm hơn nhiều nơi khác, giúp nhà vườn chủ động đón đầu thị trường và bán được giá tốt. Hiện nay, gia đình bà Nan đang canh tác 4,4ha vải u hồng và vải u trứng; sản lượng năm nay ước đạt từ 25 - 30 tấn. Từ đầu vụ đến nay, bà Nan đã bán hơn 3 tạ vải với giá 55.000 đồng/kg.
![]() |
Diện tích cây vải trên địa bàn huyện Ea Kar đạt 400ha và đã có trên 320ha cho thu hoạch, dự báo sản lượng đạt khoảng 5.000 tấn |
“Vải được mùa, giá tăng cao ngay từ đầu vụ khiến gia đình tôi rất mừng. Hy vọng giá cả sẽ giữ ổn định đến cuối vụ để bà con có thể thu được lợi nhuận, cải thiện thu nhập và tái đầu tư cho những mùa vụ tiếp theo”, bà Nan chia sẻ.
Mới đây, UBND xã Ea Sar (huyện Ea Kar) đã tổ chức Hội nghị liên kết sản xuất, tiêu thụ trái vải tươi trên địa bàn xã Ea Sar năm 2025.
Lãnh đạo UBND xã cho biết, thực hiện Kế hoạch “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xã Ea Sar đã tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó riêng cây vải có trên 400ha và đã có trên 320ha cho thu hoạch, dự báo sản lượng đạt khoảng 5.000 tấn.
Để cây vải phát triển bền vững, UBND xã đã chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng vườn cây giống đầu dòng; hướng dẫn trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng và duy trì 4 mã vùng trồng vải với diện tích 47ha; tổ chức các hội nghị liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
UBND xã cũng triển khai cho các HTX, tổ hợp tác, các tư thương trên địa bàn liên kết với các tư thương ở chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng và các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ và xuất khẩu vải tươi.
Đặc biệt, UBND xã đang tiến hành làm hồ sơ thủ tục đề nghị các cấp thẩm định và công nhận sản phẩm quả vải Ea Sar đạt tiêu chuẩn OCOP.
Thời gian qua, để nâng cao giá trị quả vải và tạo ra các sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người trồng vải thay đổi tư duy trong canh tác và sản xuất. Đại diện UBND xã Ea Sar cho biết, xã đã vận động người dân áp dụng và mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình chuẩn để quả vải phát triển đồng đều. Đồng thời, xã cũng khuyến cáo người dân thu hái vải khi quả đạt độ chín từ 75 - 85% để bảo đảm mẫu mã, chất lượng…
Tạo “mắt xích” vững trong chuỗi liên kết
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ea Kar thông tin, toàn huyện hiện có 1.095ha vải thiều, trong đó có 700ha đang cho thu hoạch (năng suất trung bình khoảng 85 tạ/ha), tập trung chủ yếu tại các xã Ea Sar, Ea Sô, Cư Elang...
![]() |
Vải thiều trồng tại Đắk Lắk có ưu điểm quả to, chín sớm, vị ngọt thanh nên được thị trường ưa chuộng và thu mua với giá cao, đầu ra ổn định. |
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp và khí hậu thuận lợi, vải thiều tại địa phương có ưu điểm quả to, chín sớm, vị ngọt thanh nên được thị trường ưa chuộng và thu mua với giá cao, đầu ra ổn định. Giá vải đầu vụ năm nay đang dao động từ 55.000 - 62.000 đồng/kg, tăng khoảng 20 - 30% so với các năm trước. Thị trường tiêu thụ quả vải ở địa phương là các tỉnh thành phía Nam như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… và xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (thôn 10, xã Ea Sar) Nguyễn Văn Bình cho hay, HTX hiện có 16 thành viên, với tổng diện tích canh tác hơn 100ha, đồng thời liên kết sản xuất với khoảng 2.000ha của các hộ dân trồng vải trong và ngoài tỉnh. Do thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, cây vải phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, năng suất trung bình đạt khoảng 10 tấn/ha. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã xuất khẩu 10 container (khoảng 120 - 130 tấn vải) sang thị trường Trung Quốc.
“Với giá thu mua duy trì ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng vải có thể thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha”, ông Bình đánh giá.
Để hướng tới một vụ mùa thắng lợi, các địa phương, HTX, tổ hợp tác trồng vải trên địa bàn huyện Ea Kar đang đặc biệt chú trọng đến công tác chăm sóc và thu hái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Với mục tiêu nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng đồng đều, các HTX, tổ hợp tác thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật từ khâu tưới tiêu, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến kỹ thuật thu hái. Đồng thời, khuyến cáo các thành viên không thu hái quả khi còn xanh hoặc chưa đạt độ chín hoàn chỉnh, tuân thủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm chất lượng quả và an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, trong thời gian qua, huyện đã phối hợp với các ban ngành trung ương và tỉnh Đắk Lắk, trong đó có các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, nhất là về quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn, thích ứng biến đổi khí hậu, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số, xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý...
Điển hình, năm 2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình đã được trợ giúp nhằm hoàn thiện hồ sơ, quy trình gắn mã số vùng trồng đối với sản phẩm vải thiều.
Không chỉ được huyện hỗ trợ chi phí làm mã vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên của HTX còn được chính quyền xã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tại vườn, tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Lãnh đạo HTX Thanh Bình cho biết, nhờ được “trợ lực”, các thành viên đã thực hiện quy trình chăm sóc, tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly và được cấp chứng nhận VietGAP đối với toàn bộ diện tích, trong đó có 47ha đã được gắn mã vùng trồng. Lợi ích đem lại không chỉ là đầu ra ổn định, thương lái thu mua tận vườn mà mỗi héc ta trồng vải còn gia tăng giá trị lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng so với trước kia.
Cùng hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
Tại xã Ea Sar, trước đây, nông dân chủ yếu trồng cà phê cùng các loại hoa màu, tuy nhiên, do thổ nhưỡng là đất cát pha màu, khô cằn nên năng suất từ các loại cây trồng rất thấp. Năm 2012, một số hộ dân của xã đã mang giống vải thiều từ Bắc Giang trồng thử và bất ngờ khi loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, có năng suất cao.
Gia đình ông Lê Văn Thưởng, thôn 5, đang thu hoạch gần 2ha vải thiều, bán với giá khoảng 55.000 đồng/kg.
Ông Thưởng vui mừng cho biết, việc trồng vải mang lại thu nhập rất tốt cho bà con nông dân tại địa phương.
Còn ông Lê Văn Long - được người dân xã Ea Sar gọi là "trùm vải" do ông đang sở hữu hơn 26ha vải, mỗi năm mang về thu nhập hàng chục tỷ đồng và tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Ông Long kể, năm 2015 ông quyết định từ Hải Dương vào Đắk Lắk lập nghiệp. Nhận thấy khí hậu tại huyện Ea Kar phù hợp với cây vải nên ông trồng thử vài ha vải giống u hồng và u trứng.
"Mỗi ha vải, gia đình tôi ước tính thu hoạch khoảng 15 tấn quả, trừ các chi phí chăm sóc vẫn lãi được 500-600 triệu đồng. Vải ở Đắk Lắk bán được giá do chín sớm hơn vải của các tỉnh phía Bắc", ông Thưởng thông tin. Vì thế, ông Long mạnh dạn mở rộng diện tích và đến nay đã trồng được hơn 26ha vải.
"Năm nay, tổng sản lượng vải của gia đình tôi đạt hơn 200 tấn, trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 25 tấn. Trồng vải mang lại doanh thu lớn cho nông dân chúng tôi", ông Long nói.
Theo ông Văn Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Ea Sar, năm nay, đa số bà con nông dân trồng vải của xã đều trúng lớn do vải được mùa, được giá. Nhờ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, đời sống khấm khá, giúp thay đổi rõ rệt kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của huyện Ea Kar. Hàng loạt giải pháp linh hoạt và kịp thời đã được vận dụng để góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,79%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,38%, tương đương hơn 900 hộ. Mục tiêu giảm nghèo năm 2025 của huyện là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 3%; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4-5%/năm; tại các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 6-8%/năm.
Đối với việc liên kết sản xuất, từ chủ trương, chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, đến năm 2024, huyện Ea Kar có 62 HTX, 1 chi nhánh HTX và 21 tổ hợp tác (THT), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải, tín dụng. Các HTX, THT đã thu hút trên 5.000 thành viên tham gia, doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Huyện Ea Kar đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã, thị trấn có ít nhất 1 HTX hoặc THT nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung vào việc hỗ trợ thành lập mới HTX, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa HTX và nông dân.
Phương Linh