Ở xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My) có HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Ngọc Trà Vinh thời gian qua đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm ra thị trường quốc tế. Từ đó tạo thêm cơ hội về việc làm, thu nhập cho các thành viên HTX với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia sản xuất, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Phát huy giá trị nghề truyền thống
Trước đây, xã Trà Vinh với điều kiện tự nhiên trên 90% là rừng núi, nguyên liệu về mây, tre, nứa rất dồi dào. Thường ngày người dân khai thác về để sản xuất ra các sản phẩm sử dụng như teo, lép, rổ đựng rau, nong phơi lúa, giỏ đựng hoa quả, hàng nông sản…nhưng chủ yếu phục cho cuộc sống hằng ngày nên chưa đem lại thu nhập cho người dân.
![]() |
HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Ngọc Trà Vinh tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương. |
Từ khi có HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Ngọc Trà Vinh, đã tạo sinh kế cho nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã cải thiện thu nhập, đồng thời gìn giữ nghề truyền thống của địa phương.
HTX này hiện có 45 hộ thành viên tham gia liên kết sản xuất. Từ khi HTX đi vào hoạt động đến nay, HTX đã mang lại lợi nhuận tăng thêm và chất lượng cho thành viên sử dụng dịch vụ.
Hiện nay, ngoài các sản phẩm mây tre đan truyền thống, HTX Ngọc Trà Vinh còn sản xuất ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bàn ghế tre, các sản phẩm trang trí nhà hàng, khách sạn, giỏ đựng quà, khung ảnh, khung giấy khen...
Các thành viên HTX đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao.
HTX này cũng được các ngành chức năng hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ thương mại, các buổi triển lãm để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều đơn hàng được ký bắt đầu từ các hội chợ. Dần dần, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến.
Chẳng hạn, với nhiều lần tham gia gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Tp.Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Tp. Hà Nội, những sản phẩm HTX Ngọc Trà Vinh được bạn bè, du khách trong và ngoài nước thích thú, đón nhận.
Liên kết sản xuất dược liệu
Bên cạnh HTX phát huy giá trị nghề truyền thống nêu trên, ở Nam Trà My cũng đang phát triển mạnh các HTX với mô hình liên kết khai thác sản vật bản địa, đặc biệt là cây dược liệu.
![]() |
Chị Hồ Thị Mười, người dân tộc Ca Dong, Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh, giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh đến với người tiêu dùng. |
Như số liệu mới đưa ra từ UBND huyện Nam Trà My, tính đến tháng 5/2025 trên địa bàn toàn huyện đã hình thành được 20 HTX chuyên về sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu bản địa.
Theo đó, tổng số vốn đăng ký kinh doanh của 20 HTX này đạt gần 70 tỷ đồng, thu hút hơn 140 thành viên tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các HTX có địa chỉ kinh doanh tại xã Trà Linh và Trà Mai huyện Nam Trà My.
Điển hình như HTX Cộng đồng Ngọc Linh, thu hút 15 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) tham gia thành viên, cùng 19 nhóm hộ liên kết cung ứng sản phẩm sâm Ngọc Linh và dược liệu theo hợp đồng. HTX đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu với 10ha sâm Ngọc Linh đã được trồng.
Nhằm ổn định thu nhập cho bà con vùng cao, HTX này đã liên kết sản xuất, ký hợp đồng phân phối sản phẩm với một số doanh nghiệp. Ngoài ra, HTX cũng mong muốn sẽ chế biến sâu một số sản phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh, tuy nhiên việc hạn chế về vốn để đầu tư máy móc đang là một thách thức.
Chị Hồ Thị Mười, dân tộc Ca Dong, Giám đốc HTX, cho biết hoạt động của HTX trên tinh thần tất cả thành viên tự bỏ công sức vào làm thay vì góp vốn. Trong đó chủ lực nhất vẫn là cây sâm Ngọc Linh nhằm giúp các hộ khó khăn ở địa phương vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
“Người dân có đất nhưng không có vốn đầu tư sâm Ngọc Linh thì HTX hỗ trợ giống. Sau này, ngày công lao động của người dân được quy đổi thành tỷ lệ góp vốn và hưởng lợi nhuận từ việc kinh doanh của HTX”, chị Mười chia sẻ.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, vị nữ giám đốc HTX này là gương điển hình của phụ nữ huyện Nam Trà My khi không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn vận động phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương tham gia vào hoạt động kinh tế hợp tác để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng
Có thể nói huyện Nam Trà My có triển vọng rất lớn để phát triển kinh tế dược liệu thông qua hoạt động của các HTX. Điều này cũng thấy rõ khi việc liên kết chuỗi sản xuất dược liệu của các HTX dần phổ biến ở nơi đây. Qua đó vừa giúp mở đường giảm nghèo, vừa tạo nên môi trường sản xuất ổn định, bền vững, đồng thời kết hợp việc bảo tồn và phát triển các giống cây dược liệu quý mang tính đặc sản, đặc thù vùng miền.
Như chia sẻ của chị Hồ Thị Mười, việc liên kết hợp tác sản xuất dược liệu với người dân địa phương giúp HTX chủ động và quản lý tốt nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá cả, hạn chế việc được mùa mất giá, được giá mất mùa gây bất ổn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình và gây lãng phí nguyên liệu.
Mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của kinh tế hợp tác ở huyện Nam Trà My, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với địa phương củng cố, phát triển hoạt động của các HTX, hỗ trợ kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm HTX. Nhất là hỗ trợ các HTX của huyện có sản phẩm tiêu biểu tham gia vào các phiên chợ sản phẩm HTX ở Quảng Nam và trong cả nước.
![]() |
Đến nay trên địa bàn toàn huyện Nam Trà My đã hình thành được 20 HTX chuyên về sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu bản địa. |
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã giúp các HTX ở Nam Trà My giới thiệu, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo điều kiện cho các HTX gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường…
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam còn mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ HTX, tuyên truyền các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với các HTX. Thông qua các hoạt động này, nhằm giúp HTX ở Nam Trà My nâng cao năng lực quản lý, điều hành của mình, đồng thời có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ để đầu tư, phát triển.
Nhờ đó, hoạt động kinh tế hợp tác ở Nam Trà My từng bước khẳng định được vai trò, vị trí, là “đòn bẩy” góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là có đóng góp ý nghĩa vào giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Nhất là với mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My xuống dưới 30% thì việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi các HTX ở địa phương cần mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, liên kết sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường..., nhằm giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
Thanh Loan