Ông Trần Văn Quỳnh - Chủ tịch HTX Lý Sơn Xanh chia sẻ: “Mỗi lần ra Lý Sơn lặn biển, tôi rất trăn trở. Biển ở đây rất đẹp, tuy nhiên mỗi lần bắt gặp rác dưới đáy biển là tôi nghĩ mình cần phải có hành động gì đó để bảo vệ môi trường Lý Sơn. Tôi suy nghĩ nếu không thay đổi thì thế hệ sau phải ăn hải sản nhiễm độc từ những thứ do chính chúng ta vứt xuống biển hôm nay”.
Bảo vệ môi trường biển
Đầu năm 2019, công tác đầu tiên của HTX là vớt rác quanh đảo Lý Sơn. Ông Quỳnh đã thành lập nhóm “Lặn vớt rác thải nhựa – Vì Lý Sơn không còn rác thải nhựa”. Hoạt động này đã trở thành phong trào lâu dài trên quê hương Hải đội Hoàng Sa.
Ông Quỳnh kể: Các tình nguyện viên tham gia dọn vệ sinh bãi biển và lặn vớt rác đáy biển từ ngày 15/2, chiều dài bờ biển dọn vệ sinh khoảng 200m và khu vực quanh đảo Bé, bờ biển phía Tây của đảo Lý Sơn. Chỉ trong một buổi sáng, các tình nguyện viên đã nhặt rác và vớt rác đáy biển với khối lượng đến 26 bao rác.
![]() |
Lặn vớt rác thải nhựa – Vì Lý Sơn không còn rác thải nhựa (Ảnh: TL) |
Phần lớn lượng rác là đồ dùng sinh hoạt do người dân xả xuống, trong đó nguy hại hơn là rác dưới đáy biển rất nhiều. Các tình nguyện viên phải lặn xuống, khiêng lên chất trên bờ, nhiều rác thải là ngư lưới cụ của ngư dân không dùng đến.
Anh Đặng Ngọc Tiền đang công tác tại Khu Bảo tồn biển Lý Sơn chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi tham gia vớt rác ở đảo. Đây là công việc có ý nghĩa, hạn chế ô nhiễm môi trường và tuyên truyền đến người dân, nhất là khu vực nằm trong Khu Bảo tồn biển, ý thức bảo vệ môi trường sẽ giúp các loài thủy sinh phát triển tốt”.
Ngày 3/5/2019, HTX Lý Sơn Xanh đã phát động hoạt động dọn dẹp biển vì một Lý Sơn xanh, sạch, đẹp. Theo đó, nhóm “Vì một Lý Sơn không rác thải nhựa” đã lan tỏa những hành động bảo vệ môi trường và xây dựng ý thức không vứt rác ra biển của người dân Lý Sơn.
Bên cạnh đó, HTX Lý Sơn Xanh đã cùng huyện Đoàn Lý Sơn, nhóm sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh chi nhánh Quảng Ngãi đưa 4 chú “Cá ăn rác thải nhựa” mang thông điệp “Đừng bỏ rác xuống Đại dương - Hãy cho tôi rác” vào sử dụng.
Được làm từ khung sắt và lưới nhựa, mỗi chú cá dài hơn 2m, rộng 1,5m, có thể “ăn” 1.000 vỏ chai nhựa, góp phần thay đổi ý thức người dân và du khách về rác thải nhựa, kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần.
Tháng 7/2019, hưởng ứng phát động dự án “Tử tế với Sa Cần” (thôn Hải Ninh xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhằm cứu cửa biển Sa Cần thoát khỏi tình cảnh rác thải ùn ứ khắp nơi gây ô nhiễm môi trường hàng chục năm qua, HTX Lý Sơn Xanh tài trợ 400 bao chứa rác… tổng giá trị trên 100 triệu đồng.
Đặc sản vùng miền
Từ khi thành lập đến nay, HTX Lý Sơn Xanh đã hoạt động theo đúng như tên gọi. Không chỉ vậy, HTX còn mang hương vị đậm đà riêng biệt của vùng duyên hải miền Trung thành sản phẩm chủ lực.
Theo ông Ngô Đình Thính – Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Lý Sơn Xanh (HTX Lý Sơn Xanh) cho biết: Vì những “giá trị” mà nước mắm mang lại, HTX Lý Sơn Xanh đi vào hoạt động, sản phẩm chủ lực là nước mắm Lý Sơn Xanh. Ngoài ra còn các dòng sản phẩm đặc trưng khác của đảo Lý Sơn như: chả cá, dầu đậu phộng, tỏi, hành…
![]() |
Nước mắm Lý Sơn Xanh đã trở thành đặc sản cúa Lý Sơn (Ảnh: TL) |
Để tạo ra được nước mắm ngon, an toàn với người sử dụng, nước mắm phải được chắt cốt từ cá với thành phần duy nhất chỉ cá và muối, không có sự can thiệp của bất cứ loại phụ gia, hương liệu nào.
Theo đó, cá được rửa bằng nước biển thật sạch, ủ chượm theo công thức 3 cá – 1 muối được trộn thật đều trước khi đưa vào chượp. Mặt trên cùng được phủ lên một lớp muối, dùng thanh dằn nén chặt thùng làm cho cá ép thành một khối, sau đó đổ nước bồi vào phủ mặt chượm, nhưng không ngập mặt thùng phòng trường hợp cá no hơi làm tràn nước. Ở 15 ngày đầu kéo và rút liên tục để trao đổi nước bổi trong và ngoài nhằm làm tan muối, cân bằng độ mặn. Sau 15 ngày để chượm nguyên trạng, nên đặt ở vị trí khô ráo, nước mắm sẽ ngọt hơn khi mọi người phơi nắng vào mỗi sáng.
Ông Thính cho hay: “Trong 3 tháng đầu, thỉnh thoảng kéo rút để tránh nước bị tràn, đặc biệt không để nước lã rơi vào chượm. Sau thời gian 12 tháng thu được thành phẩm nước mắm cốt cá cơm nguyên chất, không chất bảo quản, giá trị dinh dưỡng rất cao…”.
Hiện, thị trường tiêu thụ chủ yếu là khách du lịch trên đảo, với giá 48.000 – 90.000 đồng/chai. Hàng tháng HTX tiêu thụ khoảng 300 chai nước mắm, tạo việc làm cho hơn 20 người tại địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Với mục tiêu phát triển lâu dài và đưa các sản phẩm đi xa hơn, HTX đang có hướng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên cả nước.
Nhật Nam