Hồi tháng 4/2025 vừa qua, xã biên giới La Dêê đã tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Đây là một trong 2 xã đầu tiên của huyện miền núi Nam Giang đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ vậy, thôn Công Tơ Rơn của xã còn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024, là thôn thứ hai của huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
HTX tạo thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số
Có được thành quả như vậy cũng là nhờ địa phương này (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98,38% dân số) đã đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
![]() |
HTX Nông nghiệp La Dêê giúp tạo thu nhập ổn định cho bà con dân tộc thiểu số ở La Dêê. |
Điều đó giúp số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo ở La Dêê giảm còn 9,05%, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 54 triệu/người/năm.
Trong liên kết sản xuất nông nghiệp ở La Dêê phải kể đến HTX Nông nghiệp La Dêê thời gian qua đã liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản miền núi của 200 hộ đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng vùng biên giới nơi đây. Ngoài ra, HTX còn thực hiện liên kết với người dân để chăn nuôi heo cỏ địa phương.
Bà Brao Thướp, một người dân tộc thiểu số ở thôn Đăk Ốc, xã La Dêê, cho biết trước đây trồng trọt nhưng không biết bán nông sản ở đâu, ăn thì không xuể. Nhưng từ khi có HTX Nông nghiệp La Dêê hỗ trợ trong việc mua bán giúp nên đã yên tâm hơn. Bản thân gia đình trồng măng, chuối bán cho HTX và có thu nhập khá hơn trước.
Ông Brao Ngưu, Chủ tịch UBND xã La Dêê, đánh giá HTX Nông nghiệp La Dêê đã góp phần tích cực trong việc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhất là HTX đã tạo được sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng cũng như nâng cao được khả năng xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm là đặc sản địa phương.
Còn theo ông Brao Hoành, Giám đốc HTX Nông nghiệp La Dêê, để tạo sự liên kết sản xuất nông nghiệp như hiện tại thì sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Có sự tiếp sức như vậy đã tạo động lực cho HTX tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa những sản vật bản địa nhằm tạo nguồn thu nhập tốt cho bà con địa phương.
Mở cơ hội phát triển sản vật bản địa
Không chỉ tập trung vào sản xuất, chăn nuôi, HTX này còn giúp cho người dân biết cách làm ra sản phẩm đạt chuẩn OCOP và mang đặc sản của địa phương để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Hiện nay, HTX hiện có một sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là măng nứa khô và đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm nếp than đạt chuẩn OCOP 3 sao.
![]() |
Sản phẩm măng nứa khô của HTX Nông nghiệp La Dêê đạt chuẩn OCOP 3 sao. |
Theo ông Brao Sang, một người dân ở thôn Công Tơ Rơn, lợi thế của địa phương là có rất nhiều sản vật, đặc biệt là nông sản đặc trưng của miền núi. Và HTX đã giúp cho người dân tận dụng được lợi thế này.
Ngoài HTX nêu trên, nói đến sản phẩm OCOP của La Dêê còn phải kể đến rượu tà vạc cất Nam Giang được làm ra từ Cơ sở sản xuất rượu tà vạc cất Nam Giang (trụ sở đặt tại xã La Dêê). Sản phẩm này đạt chuẩn OCOP 3 sao, mở ra cơ hội phát triển mới cho người dân địa phương.
Anh Bh’ling Vinh, một người dân tộc thiểu số, chủ Cơ sở sản xuất rượu tà vạc cất Nam Giang cho biết: Rượu tà vạc được chiết ra từ thân cây tà vạc - một loại cây thuộc họ dừa, mọc ở vùng cao nên thường được biết đến với cái tên “rượu trời”.
Theo anh Bh’ling Vinh, rượu tà vạc cất trước đây thường được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu của cộng đồng dân cư địa phương trong các dịp lễ hội quan trọng. Đây được xem là nét văn hóa lâu đời, không thể thiếu trong đời sống của đồng bào vùng cao. Vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường và muốn cải thiện sinh kế cho người dân địa phương nên Cơ sở đã bắt đầu nghiên cứu, đưa sản phẩm rượu tà vạc trở thành sản phẩm có giá trị về kinh tế, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên thị trường.
Ngoài các sản phẩm OCOP thì xã La Dêê còn phát triển mô hình liên kết trồng cam Vinh theo phương thức canh tác mới nhằm giúp người dân mở hướng thoát nghèo. Chính quyền địa phương đã mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, giúp nhiều hộ dân mạnh dạn đăng ký trồng cam Vinh với kỳ vọng mô hình tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Mặt khác, chính quyền xã còn vận động nhân dân tích cực cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả khác như bưởi da xanh, chanh không hạt…với hy vọng các loại cây ăn quả sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần nâng cao đời sống và quan trọng hơn là phủ xanh những khu vực đất trống, đồi núi trọc tại địa phương.
Hoặc như mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung… cũng đang được nhân rộng tại các khu dân cư ở La Dêê. Qua đó đem lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương.
Hướng đến tương lai bền vững
Với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết ở xã La Dêê, chính quyền huyện Nam Giang đã hỗ trợ kịp thời để cải thiện đời sống nhân dân và hướng đến một tương lai bền vững.
![]() |
Nhờ phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp đã giúp bộ mặt nông thôn mới ở xã La Dêê ngày một khởi sắc. |
Bởi lẽ, là một xã miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đi theo hướng liên kết là hết sức quan trọng.
Như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã La Dêê Brao Ngưu, từ việc xác định rõ cơ hội lẫn khó khăn đặc thù ở vùng biên giới, thời gian qua, chính quyền xã tập trung đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp với điều kiện của địa phương miền núi trong phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Thực tế cho thấy, có được diện mạo khởi sắc ở La Dêê như hôm nay thì việc lồng ghép nguồn lực các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây là rất quan trọng.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động liên kết sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác ở tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Nam Giang nói riêng, trong đó có xã biên giới La Dêê.
Và từ hoạt động hiệu quả của HTX Nông nghiệp La Dêê để thấy con đường phát triển kinh tế HTX ở La Dêê đang đi đúng hướng trong liên kết sản xuất.
Đặc biệt là các đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã và đang phát huy vai trò tư vấn, hỗ trợ hoạt động cho các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và liên doanh, liên kết, hợp tác. Thông qua đó, đưa HTX trở thành “bà đỡ” quan trọng để nâng cao đời sống người dân xã biên giới La Dêê.
Thanh Loan