HTX Sơn Thành ra đời với 7 thành viên, vốn điều lệ là 500 triệu đồng. Sau gần 8 năm, HTX đang có vùng nguyên liệu rộng trên 5 ha, toàn bộ được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, với các giống chè Trung du và các loại chè cành có năng suất, chất lượng cao như LDP1, TRI 777, keo am tích...
Liên kết sản xuất
Nhờ hoạt động hiệu quả, trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch trên 10 tấn chè búp khô các loại, trong đó lượng chè của các hộ thành viên chiếm xấp xỉ 60%, còn lại là của các hộ dân liên kết, đem lại tổng doanh thu bình quân 5 - 6 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, HTX Sơn Thành đang thực hiện liên kết với 12 hộ dân trên địa bàn để phát triển vùng trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong quá trình sản xuất, các thành viên, hộ liên kết được HTX phát sổ nhật ký nông hộ để ghi chép toàn bộ quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thời điểm thu hái… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ).
Những hộ dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao được HTX thu mua với giá ổn định, cao hơn giá thị trường 10 - 20 nghìn đồng/kg. Ngược lại, những trường hợp làm sai quy trình, vi phạm quy tắc an toàn, sẽ bị phạt nặng.
Ông Ngô Văn Đức - thành viên HTX, cho biết nghề chè đã có truyền thống từ hơn 50 năm vùng này. Song, trước đây, hoạt động sản xuất nhỏ, sản phẩm được tiêu thụ ở các chợ quanh khu vực, giá bán bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá.
Sau khi HTX được thành lập, các hộ sản xuất chè được tập huấn trồng, chăm sóc và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các quy tắc về ATLĐ trong quá trình sản xuất được chú trọng, bảo đảm an toàn cho người sản xuất.
“Sản xuất an toàn giúp năng suất, chất lượng sản phẩm gia tăng. Với gần 7.600 m2 chè, giá bán trung bình 250 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu về 500 - 600 triệu đồng mỗi năm, ATLĐ được bảo đảm, đời sống tinh thần được nâng lên”, ông Đức phấn khởi nói.
![]() |
Nhờ sản xuất an toàn, HTX đang gặt hái thành công |
Quảng bá thương hiệu
Bà La Thị Tâm - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Sau khi tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng, HTX tập trung vào quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho thành viên”.
Ban đầu, HTX chủ động tiếp cận các khách hàng quen trên địa bàn để giới thiệu, quảng bá và tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, HTX tích cực tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các tỉnh xa ở miền Trung và miền Nam, nơi thị trường tiêu thụ còn khá rộng mở.
Nhờ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng vượt trội, sản phẩm chè của HTX nhanh chóng chinh phục nhiều khách hàng. Các đại lý tiêu thụ chè của HTX liên tục được mở ở các tỉnh như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Gia Lai…
Từ năm 2016 đến nay, HTX đã có sản phẩm giới thiệu tại điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương). Nhờ vậy, lượng sản phẩm xuất bán liên tục tăng so với thời điểm ban đầu, giá bán trung bình cũng cao hơn khoảng 100 nghìn đồng/kg so với khi mới thành lập HTX.
Cùng với việc quảng bá sản phẩm, HTX còn sản xuất ra nhiều loại chè, với các phân khúc từ bình dân đến cao cấp (250 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng/kg), nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi đối tượng khách hàng.
Đem lại lợi ích toàn diện cho người sản xuất về cả kinh tế và ATLĐ, sản phẩm của HTX liên tục được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hiện tại, với mỗi sào chè, sau khi trừ chi phí, mỗi năm người dân thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Năm 2018, HTX có tới 3 sản phẩm được công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, gồm Đinh Đinh trà (1 đinh), Tôm nõn trà (1 đinh và 1 tôm) và Trà xanh thượng hạng (1 tôm và 2 lá non).
Hưng Nguyên