Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, hoạt động của HTX còn giúp hồi sinh nhiều vùng đất ven biển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận cư dân nghèo, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Sản xuất đi liền với bảo tồn
Với 200ha nuôi nghêu, HTX đã chú trọng đến tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để mang lại hiệu quả, hạn chế những rủi ro.
Ông Dương Văn Hải - Giám đốc HTX Thủy sản Tân Thủy, cho hay: Dù mang lại nguồn lợi lớn và phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương nhưng nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, đặc biệt là chú ý về môi trường, diện tích nghêu sẽ đứng trước rất nhiều thử thách: Nguy cơ tàn phá và ô nhiễm môi trường; tranh chấp bãi nuôi nghêu; hiện tượng nghêu nuôi bị chết hàng loạt...
Nghêu chủ yếu sống ở vùng cửa sông - nơi hội tụ nhiều nguồn nước có chứa chất thải đổ vào. Do vậy, các tác động từ chất lượng nước, chất gây ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sinh sống của ngao.
Để bảo đảm môi trường cho nghêu, HTX đã thành lập đội kỹ thuật chuyên theo dõi diễn biến các yếu tố môi trường, thời tiết vùng nuôi và duy trì mật độ 150 con/m2 đối với nghêu chưa đạt kích cỡ thu hoạch và 300 con/m2 với nghêu sắp cho thu hoạch.
HTX thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe nghêu. Nếu xảy ra hiện tượng nghêu bị dịch bệnh, chết, HTX sẽ tiến hành thu gom ngay lập tức toàn bộ vỏ nghêu chết để tiêu hủy và xử lý môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh phù hợp, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước khu vực nuôi và hạn chế dịch bệnh, đồng thời khẩn trương thu hoạch nghêu lớn đạt kích cỡ, tránh tình trạng đợi giá làm gia tăng thiệt hại.
Thời gian gần đây, do biến đổi khí hậu, tình trạng nghêu bị phơi nắng nhiều và diễn ra thường xuyên, HTX đã thuê thêm người, thành lập các đội trực tại chỗ để can nghêu kịp thời ra vùng nước sâu để duy trì độ mặn, bảo đảm sự sống, sinh trưởng và phát triển của nghêu.
HTX tuân thủ nguyên tắc khai thác bảo tồn để bảo đảm nguồn ngao tự nhiên phục phụ vấn đề gối vụ. Khi khai thác nghêu, tất cả các thành viên cào nghêu đều dùng cào tay, cào lưới để bắt nghêu và dùng sàng để lựa nghêu đạt chuẩn, nghêu nhỏ thì thả lại bãi làm giống.
![]() |
HTX đã giúp hồi sinh nhiều vùng đất ven biển
Hiệu quả kinh tế
Với chất lượng ngao được bảo đảm, HTX luôn ổn định đầu ra và bán được giá cao. Tổng mỗi đợt khai thác, doanh thu HTX đạt từ 1 tỷ đồng trở lên. Trung bình mỗi hộ thành viên nhận 1,5 - 1,8 triệu đồng.
Ngoài việc hưởng lợi nhuận sau mỗi đợt thu hoạch, hộ thành viên còn được phát phiếu khai thác lấy tiền công, trung bình mỗi ngày 200.000 đồng.
Những tháng đầu năm 2017, HTX đã ký được 8 đơn hàng với sản lượng khai thác trên 269 tấn và tổng doanh thu trên 10 tỷ đồng. Nhờ tham gia HTX, nhiều gia đình đã duy trì và nâng cao mức sống.
Bà Phạm Thanh Nga - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri, đánh giá HTX thủy sản Tân Thủy là tổ chức tập thể làm ăn hiệu quả trong nhiều năm qua. Với sự quyết tâm, đoàn kết của các hộ thành viên, HTX đã góp phần ổn định tình hình khai thác nghêu, góp phần tăng thu nhập cho hộ thành viên và thu ngân sách cho địa phương.
“Trong thời gian tới, để HTX tiếp tục phát huy hiệu quả, HTX tiếp tục nâng cao cách thức quản lý tập thể theo nguyên tắc: quản lý dân chủ - bình đẳng - cùng có lợi, giúp thành viên thể hiện rõ quyền làm chủ tập thể của mình. Đồng thời, cải tạo môi trường bãi nghêu làm nền tảng để thúc đẩy sản xuất bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Giám đốc Dương Văn Hải cho biết.
Như Yến