Gạo nếp tím than Dỗi Prễng là sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất lúa gạo nếp than xã Tà Long, và đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của huyện Đakrông, cũng như được đánh giá cao về chất lượng và tiềm năng phát triển.
Có tổ hợp tác “mở đường”
Đây là một loại gạo nếp cẩm có màu tím than đặc trưng, được trồng ở xã Tà Long (huyện Đakrông), có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất chống oxy hóa và có hương vị đặc trưng dẻo thơm, đậm vị.
![]() |
Sản phẩm gạo nếp tím than của đồng bào Pa Kô ở xã Tà Long được livestream bán hàng thu hút nhiều người mua trên mạng xã hội. |
Thời gian qua, Tổ hợp tác sản xuất lúa gạo nếp than xã Tà Long đã có nhiều nỗ lực trong việc “mở đường” cho đồng bào Pa Kô tại địa phương sản xuất và phát triển sản phẩm gạo nếp tím than Dỗi Prễng, từ đó nâng cao đời sống và quảng bá sản phẩm đặc trưng của vùng.
Đến nay đã có hàng chục hộ dân đồng bào Pa Kô ở bản Tà Lao, Ly Tôn (xã Tà Long) đã liên kết cùng tổ hợp tác này để mở rộng diện tích trồng lúa nếp tím than Dỗi Prễng. Mô hình đã khẳng định tính hiệu quả và được bà con nhân rộng.
Một số hộ dân Pa Kô ở bản Tà Lao, Ly Tôn trồng lúa nếp than với năng suất 38-39 tạ/ha. Nhờ hiệu quả cao nên diện tích trồng lúa nếp than được mở rộng, thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia. Việc trồng lúa nếp than đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây.
Có thể nói, mô hình trồng lúa nếp than của đồng bào Pa Kô với sự liên kết của Tổ hợp tác sản xuất lúa gạo nếp than xã Tà Long rất cần được mở rộng. Nhất là việc chuyển đổi mô hình tổ hợp tác thành HTX sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể rộng hơn, tiềm năng hơn, từ đó giúp sản phẩm OCOP Gạo nếp tím than Dỗi Prễng vươn xa hơn.
Đây cũng chính là định hướng của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị trong việc hỗ trợ các tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX. Nhất là cung cấp tư vấn, hỗ trợ về pháp lý, tài chính, đào tạo, và kết nối thị trường, giúp các THT có thể phát triển và hoạt động hiệu quả hơn khi trở thành HTX.
Và thông qua sự hỗ trợ này, như trường hợp Tổ hợp tác sản xuất lúa gạo nếp than xã Tà Long có thể vượt qua những khó khăn ban đầu để chuyển đổi thành HTX, đồng thời có thể phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển bền vững.
Những hạt “ngọc đen” của miền núi rừng
Và từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị cũng có các hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của các HTX, tổ hợp tác ở huyện Đakrông, trong đó có sản phẩm Gạo nếp tím than Dỗi Prễng của đồng bào Pa Kô. Nhất là hỗ trợ nâng tầm sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để tăng giá trị sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến.
![]() |
Đồng bào Pa Kô ở bản Tà Lao, Ly Tôn (xã Tà Long) đã liên kết cùng tổ hợp tác để mở rộng diện tích trồng lúa nếp than. |
Không chỉ ở xã Tà Long, trong khát vọng nâng tầm sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Đakrông, đồng bào dân tộc Pa Kô đang cố gắng để đưa giống lúa nếp than nảy mầm ở một số xã khác trong huyện.
Chị Hồ Thị Niêm ở bản A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông) cho biết giống lúa nếp than có từ lâu đời và được đồng bào dân tộc Pa Kô gìn giữ nguồn giống qua từng mùa nương rẫy.
Như chia sẻ của chị Niêm, giống lúa nếp than phải trồng ở đồi cao, ở lưng chừng núi và dù cho mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông rét buốt, sương giá đến mấy thì giống nếp này vẫn phát triển xanh tốt. Và giống lúa nếp than nếu bón phân thì đến cuối vụ xem như “gặt lá” chứ chẳng có hạt nào.
Theo chị Niêm, do phát triển trong điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt nên lúa nếp than có độ dẻo thơm, giàu chất dinh dưỡng mà không một giống nếp nào sánh kịp. Ngày xưa, đồng bào dân tộc Pa Kô xem nếp than là phương thuốc để chữa bệnh đường ruột, dùng cho trẻ nhỏ mới ốm dậy hay phụ nữ sau khi sinh…
Chính vì vậy, gạo nếp tím than từ lâu được đồng bào Pa Kô ví như những hạt “ngọc đen” của miền núi rừng Đakrông bởi giống lúa nếp này phải trồng ở đồi cao, ở lưng chừng núi, chịu đựng đủ cung bậc khắc nghiệt của thời tiết hanh khô, rét buốt, sương giá.
Do đặc tính của giống lúa nếp than và quan niệm sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, không bón phân nên năng suất thấp, vì thế để mở rộng gieo trồng không phải là điều dễ dàng. Và trước đây, hầu như đồng bào Pa Kô ở các xã trên địa bàn huyện miền núi Đakrông chỉ trồng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu gia đình, lễ hội.
Như chia sẻ của ông Hồ Văn Thon ở bản A Đeng (xã A Ngo): “Trước đây, giống lúa nếp than được người đồng bào dân tộc Pa Kô ở huyện Đakrông gieo trồng trên rẫy. Vì vậy, năng suất lúa bấp bênh vì bị hạn hán, thú rừng phá hoại. Có nhiều vụ lúa nếp than chỉ có trồng mà không có thu hoạch vì bị mất trắng”.
Bảo tồn và phát triển giống lúa quý
Trước thực trạng giống lúa nếp than có nguy cơ bị thoái hóa, mai một dần, thời gian qua huyện Đakrông đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa nếp có giá trị kinh tế này. Qua đó, góp phần lưu giữ nguồn gen quý và phát triển nếp than thành sản phẩm OCOP đặc trưng như mô hình mà Tổ hợp tác sản xuất lúa gạo nếp than xã Tà Long đang làm.
![]() |
Trồng lúa nếp than đang “mở khóa” xóa nghèo cho đồng bào Pa Kô ở Đakrông. |
Riêng ở xã A Ngo thời gian qua đã vận động đồng bào Pa Kô ở bản A Đeng trồng lúa nếp than trên các chân ruộng thường xuyên thiếu nước. Trước khi bước vào vụ sản xuất, cán bộ của xã đã hướng dẫn cho người dân kỹ thuật cơ bản trong sản xuất từ khâu làm đất đến chế độ tưới tiêu…để người dân thay đổi phương thức canh tác truyền thống (chọc trỉa, ngại sử dụng phân bón)…
Ông Hồ Văn Thon cho biết: "Gia đình tôi cùng với 4 hộ dân của bản A Đeng tham gia mô hình trồng lúa nếp than. Thu nhập từ việc trồng lúa nếp than mang lại cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa nước thông thường".
Trong vài năm trở lại đây, huyện Đakrông đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, mô hình thí điểm trồng lúa nếp than ở vùng chân ruộng thiếu nước, canh các công trình thủy lợi và đã đem lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình trồng lúa nếp than ở vùng chân ruộng thường xuyên thiếu nước của xã Tà Long đã cho năng suất 38-39 tạ/ha.
Hay như tại xã A Ngo, qua nhiều vụ gieo trồng giống lúa nếp than có hiệu quả, chính quyền đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất từ 7-10 ha và dự kiến lên tới khoảng 20-30 ha.
Thời gian tới, xã A Ngo sẽ chú trọng hướng dẫn đồng bào Pa Kô kỹ thuật canh tác lúa nếp than theo phương thức canh tác tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các chất kích thích sinh trưởng.
Trước mắt, xã A Ngo với sự hỗ trợ tích cực của huyện Đakrông sẽ từng bước nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than, đồng thời tìm nguồn lực để hỗ trợ làm nhãn mác, bao bì đóng gói tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, xã sẽ liên kết với các địa phương khác trên địa bàn huyện Đakrông để xây dựng thương hiệu nếp than nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo được dấu ấn và sức lan tỏa sản phẩm OCOP của huyện Đakrông trên thị trường trong tương lai.
Mong rằng với những hoạt động hỗ trợ phù hợp thì gạo tím nếp than sẽ “mở khóa” xóa nghèo cho đồng bào Pa Kô ở huyện Đakrông. Đặc biệt là với sự tham gia liên kết của tổ hợp tác, HTX sẽ giúp cho bà con dân tộc thiểu số tạo ra sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao, tăng quảng bá thương hiệu, liên kết đầu ra nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Thanh Loan