Những năm qua, diện mạo nông nghiệp, nông thôn xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên ngày càng “thay da, đổi thịt” nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời. Hàng loạt cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao được phát triển thành công, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân.
"Ấm no" nhờ chuối tiêu hồng
Trong đó, cây chuối tiêu hồng đã và đang phát huy hiệu quả và trở thành cây trồng mang tính hàng hóa, cây xóa nghèo của nông dân bản Mo, xã Xuân Hòa.
Theo người dân, những vùng đất cằn cỗi ở quê hương đang dần thay đổi, bởi cách đây nhiều năm về trước, trên vùng đất này, nhân dân chủ yếu trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế không cao, nhưng giờ đây, mô hình trồng chuối tiêu hồng đã giúp bà con từng bước “đổi đời”.
![]() |
Cây chuối tiêu hồng đã và đang phát huy hiệu quả và trở thành cây trồng mang tính hàng hóa, cây xóa nghèo của nông dân bản Mo, xã Xuân Hòa. |
Anh Thào Seo Lờ, Bản Mo 1 tâm sự, mấy năm trước, gia đình khó khăn do thiếu vốn sản xuất, anh phải đi trồng chuối thuê ở Trung Quốc. Đầu năm 2025, xã Xuân Hòa triển khai mô hình trồng chuối liên kết và được HTX Thượng Nông hỗ trợ giống, phân bón theo phương thức “trả chậm”. Cùng với vốn kỹ thuật đã học hỏi được trong quá trình đi làm thuê, anh Lờ đã mạnh dạn đưa vào trồng trên 3 ha chuối trên mảnh đồi, ruộng của gia đình.
Anh Đặng Văn Bạch, Bản Mo1 cho biết, từ năm 2023, qua tìm hiểu và biết được giống chuối tiêu hồng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, anh đã mạnh dạn bỏ vốn trồng 1 ha chuối tiêu hồng. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân hữu cơ nên chỉ sau 1 năm, vườn chuối của gia đình anh đã cho thu hoạch với trái to, đều, giá bán 13 -15 nghìn đồng/kg, mỗi ha chuối cho thu về từ 100 – 150 triệu đồng. Từ vụ chuối đầu tiên, gia đình anh đã mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng lên hơn 2 ha.
Thống kê đến nay, trên địa bàn xã Xuân Hòa đã trồng được hơn 76 ha chuối tiêu hồng tại các bản Mo 1, Mo 2, trong đó 65 ha đã cho thu hoạch; năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha, thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu/ha.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương đã liên kết với HTX Thượng Nông, thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân với giá thỏa thuận; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao buồng, cung ứng giống, phân bón đảm bảo chất lượng, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng chuối tiêu Hồng vùng cao bản Mo 1, Mo 2, xã Xuân Hòa.
Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân phát hiện, phun thuốc phòng trừ sâu hại chuối kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng sản lượng chuối. Nhờ trồng chuối tiêu hồng mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, có nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo kế hoạch năm 2025, Bảo Yên phấn đấu trồng 110 ha chuối tiêu hồng tại các xã: Xuân Hòa, Kim Sơn, Tân Dương, Yên Sơn, Điện Quan.
Vươn lên thoát nghèo từ trồng quế
Cùng với chuối tiêu hồng, trồng quế cũng là một mô hình giúp người dân ở Xuân Hòa thay đổi tư duy, tiếp cận phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ hiệu quả, để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hiện, tổng diện tích trồng quế tại xã đạt khoảng 3.256 ha. Mỗi năm cây quế đem lại cho địa phương 30 - 50 tỷ đồng.
Bà Triệu Thị Di, xã Xuân Hòa cho biết trước đây gia đình chỉ quanh năm làm nông nghiệp, kết hợp trồng rừng thu nhập vài triệu/năm, cuộc sống bấp bênh. Nay, được giao trồng hơn 10 ha quế, mỗi năm gia đình bà Di có lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng.
Lãnh đạo UBND xã Xuân Hoà thông tin, để khuyến khích người dân thay đổi tư duy, gắn bó với kinh tế rừng, những năm qua, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp vận động người dân trồng rừng và tập trung phát triển cây quế. Cùng với đó, xã đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân.
Cũng tương tự Xuân Hòa, Vĩnh Yên cũng đang là địa phương có diện tích và sản lượng quế lớn của huyện Bảo Yên, với trên 2.960 ha. Dựa trên những thế mạnh sẵn có, HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Yên đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất tinh dầu quế, tinh dầu sả làm sản phẩm chủ lực.
Dù trải qua thời kỳ khởi nghiệp với không ít khó khăn, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên nhờ đổi mới tư duy trong sản xuất, HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Yên đang dần khẳng định thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao vị thế của mình.
![]() |
Cây quế được xác định là một trong những cây kinh tế mũi nhọn của huyện Bảo Yên. |
Hiện, trung bình mỗi tháng, HTX chiết xuất thành công 70 - 100 lít tinh dầu quế, tinh dầu sả. Các sản phẩm tinh dầu của HTX với chất lượng vượt trội đã đạt chuẩn 4 sao theo xếp hạng sản phẩm OCOP, được khách hàng đánh giá cao, ưa chuộng.
Bà Lò Thị Liên, Giám đốc HTX cho biết: “HTX hiện có 12 thành viên chính thức, ngoài ra còn liên kết với 265 hộ sản xuất, đa số là người dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân cho các thành viên và hộ liên kết của HTX đạt trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thu nhập gia tăng”.
Tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm đạt 4,17%
Theo ban lãnh đạo huyện, ngoài triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đồng hành với hộ nghèo, hộ cận nghèo, Bảo Yên đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm sáng tạo, từ đó tạo sức lan tỏa, góp phần cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nhờ đó, huyện Bảo Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo bền vững và giảm nghèo thông tin. Giai đoạn 2021-2025, huyện đặt mục tiêu giảm 3.515 hộ nghèo, và đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu này, với tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm đạt 4,17%, đạt 104,12% mục tiêu giai đoạn; số hộ cận nghèo giảm 2.683 hộ, đạt trên 134,1% mục tiêu giai đoạn.
Những con số trên mang tính bền vững khi toàn huyện không có hộ tái nghèo, giải quyết việc làm mới cho 9.592 người lao động. Hàng loạt dự án hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững được triển khai, các chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo đã giúp trên 13.700 lượt hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần thu hút, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Đáng chú ý, sự tích cực của công tác giảm nghèo của huyện còn đến từ kết quả của những chính sách hỗ trợ, đồng hành thiết thực của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã xây dựng 2 trung tâm xúc tiến thương mại cho các HTX tại huyện Bắc Hà và Bảo Yên. Các trung tâm này nhằm hỗ trợ các HTX trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nhằm giải quyết khó khăn về tài chính, Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn vay để tổ chức sản xuất. Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cũng phối hợp với các đơn vị chức năng của Liên minh HTX Việt Nam để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho cán bộ, thành viên và người lao động trong các HTX, đặc biệt là cán bộ quản lý. Việc này đã nâng cao năng lực quản lý và khả năng thích ứng của các HTX với các thay đổi trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Theo thống kê, huyện Bảo Yên hiện có khoảng 40 tổ, nhóm, HTX. Đây là những đơn vị chủ lực giúp thu mua, tiêu thụ sản phẩm của nông dân, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động trên địa bàn. Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh quan tâm, có những giải pháp khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế theo tổ, nhóm, HTX.
Ngọc Giang