Điều đáng mừng, sau khi thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Các thành viên HTX sản xuất chè Vĩnh Tân đã có thu nhập cao gần gấp đôi so với trồng chè truyền thống, thu lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.
Năng suất tăng gấp đôi
Hiện nay, HTX sản xuất chè Vĩnh Tân đang là một trong những HTX của tỉnh Tuyên Quang làm giàu từ những “búp chè vàng”. Dù vùng nguyên liệu sẵn có không phải là những vùng chè nổi tiếng như Tân Cương (Thái Nguyên), La Bằng (Thái Nguyên),… nên việc gây dựng thương hiệu chè Vĩnh Tân là cả một quá trình dài nỗ lực. Để làm ra được những sản phẩm chè ngon, cách thức trồng chè cũng như phương thức chăm sóc phải được cải tiến về kỹ thuật.
![]() |
Thực hiện mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn an toàn, nhiều thành viên của HTX đã có thu nhập khá. |
Theo đó, cây chè ở HTX Vĩnh Tân được trồng, chăm sóc và chế biến theo quy trình vô cùng khắt khe, cần nhiều thời gian và công sức. Các công đoạn đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ để đảm bảo những búp chè đủ chất dinh dưỡng, đậm vị và sản phẩm đến tay người tiêu dùng thật sự là sản phẩm sạch, an toàn.
Ông Phạm Văn Tuyến, Giám đốc HTX sản xuất chè Vĩnh Tân cho biết: “Mặc dù, nghề trồng chè ở Vĩnh Tân đã có tuổi đời hơn 40 năm, nhưng phải đến khi sản phẩm chè Vĩnh Tân đạt Cúp đồng cuộc thi “Búp chè vàng” tại Festival chè Thái Nguyên lần thứ 2 (2013) thì thương hiệu chè Vĩnh Tân mới được khẳng định”.
"Việc sản xuất chè theo hướng an toàn có nhiều ưu điểm nổi bật. Đó là xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ chè, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn", ông Phạm Văn Tuyến nói.
Lãnh đạo HTX Vĩnh Tân cũng cho biết, quy trình sản xuất chè an toàn được thực hiện theo các bước nghiêm ngặt như trước khi trồng chè cần bón lót 100% phân chuồng, phân lân, phân hữu cơ vi sinh và 30% phân đạm, 30% kaly. Ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc phun trừ khi đến ngưỡng phòng trừ và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Trung bình HTX thu hoạch khoảng 8 lứa/năm, thời gian để thu hoạch lứa chè đầu tiên sau khi đốn là từ 40 – 45 ngày, thời gian thu hoạch các lứa vụ hè thu cách nhau từ 30 – 31 ngày. Bên cạnh duy trì giống chè xanh truyền thống, thành viên HTX còn phát triển thêm một số giống chè mới, có chất lượng và giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như chè Bát Tiên, Ngọc Thúy, O25…
Anh Phạm Văn Đáng, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào – thành viên HTX sản xuất theo mô hình chè an toàn với quy mô gần 1ha cho biết, gia đình đã trồng chè từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống nên chất lượng và năng suất cây chè không được cao. Từ khi áp dụng mô hình sản xuất chè an toàn thì năng suất cây chè cao hơn hẳn, chất lượng cũng được cải thiện đáng kể.
"Để có được mẻ chè thơm, ngon đòi hỏi các thành viên phải hái vào ngày không mưa theo tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá” (1 búp 2 lá non), búp chè sau khi hái để ráo nước nhưng không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng...", anh Đáng nói.
Đưa thương hiệu chè Vĩnh Tân vươn xa
Để phát triển bền vững nghề sản xuất chè, những năm qua, HTX Vĩnh Tân đã vận động các thành viên trồng chè chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn VietGAP vào chăm sóc, thu hái chè, đặc biệt chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường.
![]() |
Ngoài nhân rộng diện tích, HTX Vĩnh Tân chú trọng vào xây dựng thương hiệu chè sạch với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. |
Song song đó, HTX chè Vĩnh Tân đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ đầu tư, nâng cấp máy móc vào sản xuất và chế biến với công suất đáp ứng khoảng 200ha chè của địa phương. Trong đó, phải kể tới các máy móc như: Máy diệt men hơi khô, dây chuyền bán tự động hóa sản xuất chè an toàn, máy hấp (hơi quá nhiệt), máy vò chè, đóng gói.... Đây là động lực để các thành viên gắn bó và phát triển cây chè, góp phần giữ vững và đưa thương hiệu chè Vĩnh Tân vươn xa ra thị trường.
Nhờ áp dụng công nghệ mà năng suất, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng cao. Hiện nay, năng suất bình quân chè của thành viên HTX liên tục tăng từ 8-10 tấn/ha lên mức 13 - 15 tấn/ha (chè tươi), thu nhập đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, giá thành sản phẩm được nâng cao, từ mức 100.000 - 160.000 đồng/kg lên mức 250.000 - 300.000 đồng/kg (chè khô).
Trao đổi với VnBusiness, anh Phạm Văn Ngãi thành viên HTX Vĩnh Tân cho hay, trước đây công đoạn vò chè bằng tay rất vất vả, anh làm cật lực một ngày cũng chỉ được 7-10kg, giá chè cũng thấp nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nay nhờ có máy móc, anh có thể làm tới 200kg/ngày, thu nhập đều từ 250-300 triệu đồng/năm.
Bằng quy trình trồng, chế biến chè khắt khe đã giúp những búp chè HTX Vĩnh Tân thơm ngon và trở thành những sản phẩm trà nức tiếng trên thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...
Đáng chú ý, thời gian qua, HTX đã kết hợp với Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào mở các tour, tuyến du lịch sinh thái. Tại đây, khách du lịch sẽ được trải nghiệm cách chăm sóc, hái chè, chế biến chè và thưởng thức sản phẩm của mình làm ra. Cũng từ hoạt động này mà các sản phẩm của HTX Vĩnh Tân được người tiêu dùng trong cả nước biết đến.
Không những vậy, HTX đang đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm chè Vĩnh Tân lên sàn giao dịch thương mại điện tử, vào các trung tâm thương mại, siêu thị ở các tỉnh thành trong cả nước. Từ đó, đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.
Tô Thương