Tân Hương là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh áp dụng quy trình sản xuất chè sạch vào sản xuất và chế biến chè theo mô hình HTX. Đến nay, HTX đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified tại Việt Nam (tiêu chuẩn sản xuất bền vững do tổ chức Solidaridad - Hà Lan cấp) cho cây chè.
Đáp ứng hàng trăm quy định
Sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ khác rất nhiều so với sản xuất theo chuẩn VietGAP. Để ra được sản phẩm đạt chuẩn, mỗi thành viên phải tuân thủ hàng trăm quy định và sản xuất theo quy trình khép kín.
Đất trồng và nước tưới phải sạch, nếu dùng nước hồ thì phải có kết quả phân tích mẫu nước đạt chuẩn. Phân phải được ủ trên nền bê tông có mái che, không ủ trực tiếp xuống đất và phải tránh xa giếng nước ít nhất 25m để không gây ô nhiễm nguồn nước.
Để bảo đảm nguồn phân hữu cơ, HTX phải ký hợp đồng thu mua số lượng lớn bịch trồng nấm đã qua sử dụng, kết hợp ngâm ủ với phân chuồng và men vi sinh trong bể.
Thành viên cũng phải thường xuyên theo dõi đồng ruộng để nắm bắt tình hình dịch bệnh. Chỉ khi nào thật sự cần thiết mới sử dụng thuốc phun cho chè, nhưng trước khi phun phải xin ý kiến bộ phận kỹ thuật và sử dụng thuốc đúng trong danh mục cho phép. Bãi chè mới phun thuốc bảo vệ thực vật phải có biển báo ghi rõ “Khu vực cách ly 24 giờ” để mọi người biết không đi vào khu vực đó.
![]() |
HTX Tân Hương là đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng chè. |
Khi thu hái, thành viên phải dùng đồ đựng là sọt gỗ, làn tre, không dùng bao, túi để tránh ảnh hưởng của khí nóng đến chất lượng chè. Khi đưa về nhà, chè được rải trên sàn gỗ sạch. Mỗi sản phẩm khi xuất hiện trên thị trường đều có thể kiểm tra nguồn gốc đến từng hộ sản xuất. Mỗi hộ đều có sổ ghi chép, ghi rõ diễn biến hằng ngày liên quan đến cây chè như trồng khi nào, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, cách chế biến, bảo quản ra sao, ký hiệu lô trên bao bì sản phẩm.
Sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế ban đầu gặp không ít khó khăn vì các thành viên vốn quen với lối sản xuất truyền thống. Chính vì vậy, HTX phải phân công thành viên phụ trách hướng dẫn từng nhóm nhỏ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các hộ. Đến nay, HTX đã hoàn thiện quy trình sản xuất chè khép kín đúng theo quy trình sản xuất chè UTZ.
“Tất cả những kiến thức này thành viên phải thuộc nằm lòng. Chỉ có áp dụng đúng mới cho sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, từ đó đời sống bà con được nâng cao dần lên. Nếu không làm đúng là tự mình hại mình”, bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX cho biết.
Vươn xa nhờ công nghệ chế biến
Không chỉ áp dụng đúng các kỹ thuật trong trồng chè, HTX còn mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học vào chế biến, đặc biệt và đóng gói bảo quản sản phẩm.
Đến nay, HTX đã có hệ thống máy móc đồng bộ như: Máy diệt men, máy ủ hương, máy sao chè bằng gas, máy vò inox, máy đóng gói băng chuyền... Hiệu quả thấy rõ khi tôn sao chè bằng gas có công suất gấp 4-5 lần tôn quay đun bằng củi, chè làm ra không bị ám khói bụi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức sản phẩm cũng đẹp hơn nên được khách hàng ưa chuộng.
Đặc biệt, HTX đầu tư máy đóng gói bảo quản chè theo công nghệ hút chân không của Đài Loan. Chè có thể bảo quản trong thời gian 2 năm mà không làm giảm chất lượng của sản phẩm.
Trước đây, HTX chè Tân Hương cũng như các hộ gia đình trong xã chủ yếu đóng gói và bảo quản chè bằng phương pháp thủ công, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc chế biến chè chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng hướng. Do đó, sản phẩm chỉ sau 3 tháng bắt đầu giảm chất lượng, hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên hiện nay, HTX đã áp dụng thành công công nghệ hút chân không “kép” trong quá trình chế biến.
![]() |
HTX chè Tân Hương giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trong các buổi hội chợ, triển lãm. |
“Chè thô sau khi sao được hút chân không ngay để bảo quản trong túi lớn, đến khi đóng hộp mới chia nhỏ và thực hiện hút chân không một lần nữa. Nhờ vậy, sản phẩm giữ được hương và chất lượng trong thời gian dài”, Giám đốc HTX , bà Đỗ Thị Hiệp, cho biết
Việc đầu tư máy móc đồng bộ giúp HTX Tân Hương sản xuất được số lượng chè lớn, sản phẩm làm ra đảm bảo đồng đều về chất lượng, hình thức. Thay vì từng hộ tự sản xuất tại nhà như trước kia, thì nay các thành viên sau khi thu hái chè sẽ đem đến HTX để chế biến. Chất lượng chè ra sao, việc chăm bón có đảm bảo quy trình an toàn hay không đều thể hiện hết qua màu sắc của búp chè qua từng khâu chế biến.
Sự đầu tư về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ đã giúp sản phẩm chè Tân Hương có mặt tại các cuộc triển lãm, hội chợ ở nhiều vùng miền trên cả nước và đã khẳng định được chất lượng của mình bằng các Huy chương vàng tại các kỳ thi chất lượng chè xanh toàn quốc do Hiệp hội chè Việt Nam tổ chức. Sản phẩm của HTX chè Tân Hương đã có mặt tại 63 tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Canada, Anh…
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chè là một xu hướng tất yếu nhằm từng bước giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bà con nông dân.
Với HTX Tân Hương, chè là một trong những loại cây trồng chủ lực, vì vậy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè lại càng có ý nghĩa. Đây thực sự là cơ hội để người làm làm chè tiếp tục nâng cao hơn nữa, đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương vươn xa không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Đến nay, Tân Hương là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất chè ở Thái Nguyên vì đáp ứng được những đơn hàng lớn. Doanh thu hàng năm của HTX là khoảng 4 tỷ đồng.
Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất của HTX còn góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 40 lao động, với mức lương khoảng 3-6 triệu đồng/người/tháng.
Tùng Lâm