Những năm trước đây, các thành viên HTX Liệp Tuyết chủ yếu canh tác nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong việc ứng dụng KHKT, đưa giống mới vào sản xuất cũng như cơ giới hóa đồng bộ và quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng. Vì vậy, sau thu hoạch, bà con thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”.
Việc xây dựng mô hình vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn xã Liệp Tuyết là giải pháp tốt nhất để có thể ứng dụng các tiến bộ KHKT, mang lại hiệu quả cho người sản xuất cũng như sự an toàn cho người tiêu thụ sản phẩm, đồng thời duy trì được sự ổn định của môi trường sinh thái.
Giảm chi phí, tăng chất lượng
Giám đốc Kiều Mạnh Hùng chia sẻ: “Nhằm thực hiện Đề án đẩy mạnh chương trình sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất của TP Hà Nội, từ vụ xuân năm 2018, HTX Liệp Tuyết đã liên kết với CTCP Giống cây trồng Trung ương (nay là Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam) triển khai gieo trồng trên 20 ha và đưa giống lúa thuần Thiên ưu 8 vào sản xuất”.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung tâm Phát triển cây trồng thông qua việc cử cán bộ kỹ thuật về tập huấn phổ biến kỹ thuật quản lý, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; quản lý phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao…, nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
![]() |
Ông Kiều Mạnh Hùng, Giám đốc HTX Liệp Tuyết kiểm tra chất lượng giống lúa Thiên ưu 8 |
Theo đó, CTCP Giống cây trồng Trung ương còn cung ứng toàn bộ giống và thu mua toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch với giá cao hơn gấp 1,3 lần so với giá lúa thương phẩm trên thị trường.
Việc liên kết này không chỉ giảm công lao động, mang lại giá trị kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích mà còn thay đổi tư duy của bà con nông dân trong sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Cũng theo ông Hùng, để đem lại năng suất cao thì khâu chăm sóc cũng rất quan trọng. Khi lúa sạ, cần theo dõi phòng trừ ốc bươu vàng, cấy dặm để đảm bảo mật độ... Đối với lúa cấy cần giữ đủ nước, tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho cây đẻ nhánh sớm.
“Vụ xuân năm nay, do được cấy cùng thời điểm, bón phân tương đối, giống Thiên ưu 8 của HTX đang bước vào vụ thu hoạch. Qua theo dõi sinh trưởng trong 3 năm cho thấy, giống Thiên ưu 8 rất thích hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh đạo ôn và bạc lá, năng suất cao hơn so với giống lúa lai nhập ngoại, tiết kiệm đáng kể chi phí cho bà con nông dân”, ông Hùng cho hay.
Theo tính toán của Ban giám đốc, giống lúa Thiên ưu 8 đạt năng suất bình quân 70 tạ/ha, ruộng mô hình lãi 21.670.000 đồng/ha, cao hơn 7.390.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Từ hiệu quả đạt được, nông dân thực sự vui mừng phấn khởi và tin tưởng vào chương trình. Ông Kiều Văn Thắng (thôn Bái Ngoại), thành viên liên kết sản xuất lúa chất lượng cao của HTX chia sẻ: “Qua thí điểm và đưa vào sản xuất, bà con chúng tôi phấn khởi về một vụ mùa bội thu với năng suất đem lại trên 70 tạ/ha, hơn nữa lại có công ty đầu mối bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, giống Thiên ưu 8 được gia đình tôi gieo trồng trên 1,5 ha, dự tính vụ tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích".
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất
Từ năm 2017, HTX Liệp Tuyết đã tiếp nhận 3 máy cấy mạ khay vào sản xuất, hoạt động liên tục để phục vụ bà con nông dân gieo trồng đúng khung thời vụ. Vụ lúa xuân 2021, có khoảng 300 hộ dân áp dụng mô hình mạ khay cấy máy trên diện tích 30ha, chiếm khoảng 12% trong 250 ha diện tích lúa xuân toàn xã. Được biết, Liệp Tuyết cũng là xã dẫn đầu huyện Quốc Oai trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Thu hoạch lúa bằng máy trên cánh đồng sản xuất hàng hóa tại HTX Liệp Tuyết |
Tham gia mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, HTX được các cơ quan chuyên môn phối hợp nghiên cứu giá thể phù hợp, hỗ trợ các chi phí như làm đất, gieo mạ, cấy máy, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Ông Hùng cho hay, ưu điểm của mô hình gieo mạ khay, cấy máy là giúp bà con nông dân giảm chi phí so với gieo sạ, cấy tay truyền thống từ 3.254.000 - 5.820.000 đồng/ha. Đây là cơ sở để phát huy vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp, thúc đẩy hình thành các tổ dịch vụ cho người sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, từng bước tạo vùng sản xuất lúa tập trung...
Còn theo đánh giá của bà Kiều Thị Quyên (thôn Vĩnh Phúc), thành viên HTX Liệp Tuyết: “Vụ lúa xuân năm 2021 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường. Giai đoạn mạ, thời tiết thuận lợi nhưng giai đoạn sau cấy gặp nhiệt độ nhiều ngày xuống thấp, trời âm u, mưa nhiều, sâu bệnh phát sinh gây hại. Khi giai đoạn lúa làm đòng lại gặp đợt không khí lạnh, mưa lớn, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ triển khai đồng bộ cơ giới hóa, đến nay trên toàn bộ 7 sào lúa nhà tôi đã có được kết quả hơn cả mong đợi”.
Theo Ban giám đốc HTX, cấy máy bằng mạ khay giúp cây lúa khỏe, cứng, ít bị đổ, ít sâu bệnh, năng suất lúa tăng từ 12-15% so với truyền thống. Thấy mô hình HTX làm ăn hiệu quả, qua hằng năm, số hộ dân đăng ký “đặt hàng” sản xuất mạ khay, máy cấy ngày càng tăng.
“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng vùng lúa chất lượng cao lên 40-50ha; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT mới, sử dụng phân vi sinh và chế phẩm sinh học để xử lý phụ phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, tăng cường các phương pháp nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị và giảm chi phí, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất”, Giám đốc Kiều Mạnh Hùng chia sẻ.
Tô Thương