Tại Tọa đàm "Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía" ngày 21/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết giá điện của Việt Nam so với 8 nước ASEAN hiện chỉ bằng 58% giá điện bình quân, thậm chí giá điện của Việt Nam còn thấp hơn Singapore, Philippines, Lào và Campuchia. Sau khi điều chỉnh, giá điện Việt Nam mới chỉ bằng 66% giá điện bình quân 8 nước ASEAN.
Thêm áp lực cho người dân, DN
So sánh giá điện Việt Nam với các nước có GDP bình quân đầu người tương đương Việt Nam, Bộ Công Thương tập hợp 10 nước và thấy giá điện của Việt Nam hiện bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh tăng giá điện 8,36% như vừa qua, giá điện Việt Nam mới bằng 91% giá điện bình quân của 10 nước.
Doanh nghiệp (DN) chắc chắn sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ tăng giá điện. Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết giá điện dù chỉ tăng 1% cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất.
Hai nhà máy của công ty vốn đang tiêu tốn đến 1,5 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng dù đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện, nay giá điện tăng chắc chắn tiền điện sẽ vượt con số trên. Tuy vậy, giá điện đã có quyết định tăng, DN đành phải chịu.
Hơn nữa, ông Lĩnh cho rằng cứ nói giá điện của Việt Nam thấp nhưng những yếu tố khác đang cao hơn các nước khác, điều này sẽ kéo giảm sức cạnh tranh của DN Việt so với DN ngoại. Trong đó, phải kể tới như năng suất lao động thấp, tiền lương tối thiểu và chi phí bảo hiểm xã hội tăng mỗi năm…
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ: rõ ràng cả người dân, DN đều không mong muốn tăng giá điện, bởi điều này tạo áp lực rất lớn. Chưa kể, năm 2019 là năm được dự báo không thuận lợi với ngành dệt may. Trong đó, dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, áp lực tăng lương tối thiểu vốn dĩ đã rất lớn, năm 2017 tăng 7,3%, 2018: 6,5%, 2019: 5,3%, cùng với đó là xu hướng giảm giá gia công của hàng may mặc.
Trước quyết định tăng giá điện, giải pháp để giảm thiểu chi phí sử dụng điện được các DN quan tâm và có kế hoạch cụ thể. Theo đó, DN phải đổi mới về công nghệ để tiết kiệm điện hơn, thay đổi quy trình sản xuất, giảm thời gian làm việc, giảm giá thành sản xuất.
"Tại May 10, chúng tôi tuyên truyền trong toàn tổng công ty việc tiết kiệm điện. Cùng với đó, cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, phương thức quản lý thông qua việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng như đèn led, đèn tiết kiệm điện…", ông Long cho hay.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tâm lý của người dân, DN đều không muốn tăng giá bất kể mặt hàng nào, tuy vậy, đây là thời điểm cần thiết phải tăng giá điện. Song, sau khi tăng giá điện, cơ quan chức năng cần cân nhắc điều chỉnh giá các mặt hàng khác trong năm nay để đảm bảo không dồn giá trong một năm, tạo áp lực lên vai người dân, DN.
![]() |
Xi măng là một ngành được hưởng lợi từ cơ chế bù chéo giá điện |
Còn nhiều băn khoăn
Bình luận về giá điện, điều ông Lực băn khoăn nhất là vẫn có cơ chế bù chéo giá điện. Ngành sản xuất công nghiệp như xi măng, sắt thép đang được bù giá điện, điện công nghiệp chịu mức giá 6,8 cent/kWh, trong khi điện sinh hoạt chịu 8,7 cent/kWh, kinh doanh dịch vụ trả 10 cent/ kWh. Trong khi đó, DN công nghiệp đang ngốn 55% tổng lượng điện, còn lại là điện dành cho sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ…
"Người dân, DN kinh doanh dịch vụ đang phải bù giá điện cho sản xuất công nghiệp. Chúng ta cần bỏ bù chéo để khuyến khích sử dụng hiệu quả điện. Ngành điện đã vận hành theo cơ chế thị trường, các ngành khác cũng phải theo cơ chế thị trường", ông nói.
Đồng thời, ông Lực cho rằng ngành điện cần minh bạch hoá cả đầu vào, đầu ra. Hiện cứ nói đã minh bạch nhưng cái người dân cần là những thông tin nôm na, dễ hiểu hơn, chứ không phải là những vấn đề như tỷ giá, chi phí đầu tư của các nhà máy điện…
"Minh bạch là thông tin đúng thời điểm, đúng lúc, đúng đối tượng, chỉ cung cấp thông tin cần thiết chứ không phải cung cấp tràn lan. Minh bạch không chỉ một mình ngành điện, mà các bộ ngành, địa phương khác cũng phải minh bạch", ông Lực nhấn mạnh.
Đặc biệt, quản lý rủi ro tỷ giá không phải lỗi riêng ngành điện mà do không có quỹ dự phòng. Thời gian tới, Chính phủ nên chỉ đạo để bộ, ngành ngồi với nhau thiết lập cơ chế quỹ dự phòng rủi ro tỷ giá của ngành điện, tránh tình trạng năm nay bù năm khác, không bền vững.
Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn cũng cho rằng hiện nay, giá điện cho sản xuất của Việt Nam quá thấp, nên các nhà đầu tư đổ xô đến đầu tư để tận dụng giá điện rẻ, như thép, xi măng,… những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng.
Đặc biệt, trong điều hành giá điện, vấn đề mà dư luận cũng như chuyên gia băn khoăn nhất không phải là giá điện cao hay thấp, mà là tính minh bạch của ngành điện.
Bản thân ông Sơn cho rằng rất ủng hộ việc tăng giá điện nhưng không đồng ý với cách giải trình tăng giá điện của Bộ Công Thương và EVN. "Cách giải trình rất mập mờ, rất không minh bạch", ông chia sẻ.
Ông Sơn thẳng thắn cho rằng để minh bạch giá điện rất dễ, vấn đề là cơ quan quản lý, EVN có muốn minh bạch không. Hiện nay, cả nước có khoảng 70-80 nhà máy phát điện và có 5 tổng công ty phân phối điện lớn đang tham gia thị trường mua – bán điện nên rất dễ công khai.
Mua của nhà máy nào bao nhiêu điện với giá ra sao và bán cho ai bao nhiêu điện với giá thế nào chỉ là các phép tính số học đơn giản có thể thực hiện trong một bảng tính Excel rất nhanh. Chênh lệch giữa mua và bán chính là lý do để tăng hay giảm giá điện.
Trả lời câu hỏi về tính minh bạch của ngành điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết EVN đã thuê kiểm toán quốc tế hàng đầu thế giới như Deloitte, KPMG, Ernst & Young để kiểm toán hoạt động của mình.
"Chúng tôi chuyển đổi báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế để gửi cho các tổ chức tài chính quốc tế. Minh bạch toàn bộ hoạt động của EVN để xếp hạng tín nhiệm của EVN trên quốc tế", ông Tri nói.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai thị trường điện bán buôn, theo lộ trình sẽ triển khai thị trường bán lẻ điện, khách hàng sẽ được trực tiếp mua điện từ các DN sản xuất điện, tất nhiên phải trả thêm chi phí truyền tải… thông qua cơ chế thị trường và hợp đồng dài hạn. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu thí điểm mô hình này, đánh giá hiệu quả, sau đó sửa đổi về cơ chế để mở rộng mô hình, kinh doanh điện theo đúng quy định. Ông Nicolas Audier - Đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam EuroCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam ban hành lộ trình giá bán lẻ điện để hoàn toàn tính giá bán lẻ điện theo thị trường vào năm 2020, tầm nhìn năm 2025, gồm xác định các mức giá điện khác nhau cho ba mục đích sử dụng chính (sinh hoạt, thương mại và công nghiệp). Đồng thời, tăng sự minh bạch là cách thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả và lắp đặt máy phát điện mặt trời, điện gió hoặc nguồn năng lượng tái tạo khác tại hộ gia đình để giảm áp lực lên hệ thống điện. Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN Khách hàng không muốn tăng giá điện và bản thân chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện, vì chúng tôi về nhà phải trả thêm tiền điện. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta phải làm, bởi EVN chỉ đảm bảo 40-50% sản lượng điện tiêu thụ của cả nước, số còn lại phải mua từ các nhà máy điện độc lập. Họ không có tiền đầu tư sẽ không bán cho EVN, không có nguồn đảm bảo cho sinh hoạt, tiêu dùng và sản xuất. |