Ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã có chủ động đi trước trong đàm phán.
Theo ông Thành, không phải chờ đến khi đàm phán thuế quan giữa hai nước vừa qua mà từ cuối hè năm 2024, lãnh đạo Chính phủ đã đặt vấn đề về việc này. Lúc đó USABC đã thu thập các thông tin để tư vấn cho các cơ quan tham mưu của Chính phủ. Qua đó nhận định Việt Nam phải xác định tiếp cận chủ động và cách nhìn riêng.
![]() |
Ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam. (Ảnh: Tiền Phong). |
“Trong đàm phán, Việt Nam có lợi thế của người đi đầu. Lần này Việt Nam đã chủ động, xác định chính quyền Tổng thống Trump khác rất nhiều các đối tượng đàm phán trước đây, do đó buộc phải đi cách khác. Cùng với đó là chủ trương của lãnh đạo cấp cao, cùng cải cách quy mô sâu rộng chưa từng có tại Việt Nam. Tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam chủ động hơn các nước khác”, ông Vũ Tú Thành nói.
Theo đại diện USABC, thời gian sắp tới, về thuế quan còn nhiều việc phải làm nhưng so sánh vị thế của Việt Nam đang thuận lợi hơn so với các nước khác. Các doanh nghiệp yên tâm phần nào về định hướng của đàm phán, vì hai bên thể hiện rất rõ muốn đạt thỏa thuận.
Ông Vũ Tú Thành cũng lưu ý rằng, thỏa thuận này không phải một hiệp định thương mại tự do song phương truyền thống. Từ góc độ Mỹ, đây không phải là văn bản pháp lý cần Quốc hội phê chuẩn mà là văn bản hành pháp, chính vì thế tính ổn định không được như văn bản cần Quốc hội phê chuẩn.
“Giả sử Việt Nam có điều kiện chưa đáp ứng kỳ vọng, vẫn có khả năng điều chỉnh nó trong thời gian tới. Căn cứ vào đặc điểm này, chúng tôi hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai các cam kết trong thỏa thuận. Sử dụng các phương pháp đo đếm để chứng minh Việt Nam làm tốt. Dùng kết quả ấy thuyết phục Chính phủ Mỹ”, Trưởng đại diện USABC tại Việt Nam nói.
Cũng tại tọa đàm, đại diện nhiều hiệp hội và doanh nghiệp đã chia sẻ những quan điểm rất thực tế về tác động của thuế quan và phản ứng của khu vực tư nhân.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp đã có sự đàm phán với các nhà nhập khẩu Mỹ. Nhưng với chính sách thuế của Mỹ tới đây, các doanh nghiệp cũng đang "rất thấp thỏm".
“Chắc chắn thách thức sẽ gợi ra những cơ hội. Doanh nghiệp khi bị dồn tới chân tường thường mạnh mẽ hơn, thông minh hơn, sáng tạo hơn”, ông Hoài lạc quan.
Ở góc độ khác, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ thẳng thắn: “Sẽ có những doanh nghiệp không đủ sức chịu đựng, không có lãi". Tuy nhiên, đây cũng là lúc doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi. Cũng như trầm hương, sau khi trải qua đau thương mới kết tinh được hương thơm, chắt lọc giá trị thực sự.
Về phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Olivier Marquette, Chủ tịch AES Việt Nam cho rằng, yếu tố thuế quan sẽ tác động nhất định đến doanh nghiệp tại Việt Nam, gây ra ảnh hưởng nhiều lĩnh vực, trong đó đó nguồn cung ứng hàng hoá, giá cả và việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Dù vậy, ông kỳ vọng vào những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam và tin rằng các dự án điện khí hóa lỏng của AES có thể góp phần tích cực trong việc cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, đánh giá cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp. “Về câu chuyện đàm phán, tôi cho rằng về cơ bản Việt Nam đang làm tốt. Chúng tôi kỳ vọng và tin là kết quả sẽ tích cực cho cả Việt Nam và Mỹ”, ông nói.
Ông Cấn Văn Lực cho biết rất phấn khởi vì qua quá trình tiếp xúc rất nhiều doanh nghiệp, nhận thấy doanh nghiệp thích ứng cực kỳ nhanh, chủ động tìm kiếm thị trường và địa bàn khác để đa dạng hóa đầu vào, đầu ra thay vì ngồi chờ chính sách và kết quả đàm phán.
“Họ cũng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động trong nước, cơ cấu lại. Họ cũng tích cực tham gia đối thoại giữa hai nước để đảm bảo kết quả đàm phán khả quan.
30 năm quan hệ hai nước, khó khăn thật nhưng chúng ta đã vượt qua. Thời kỳ khó khăn nhất đã qua, thì không có lý do gì để chúng ta không tiếp tục phát huy”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đỗ Kiều