Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng điện và xăng là hai yếu tố quan trọng quyết định đến nhiều lĩnh vực của đời sống, giá xăng dầu và điện tăng sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn mặt hàng.
Doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời tạo ra hiệu ứng tăng giá các mặt hàng khiến người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với việc giá cả leo thang.
Chi phí đầu vào tăng
Không chỉ người dân lo giá điện và giá xăng cùng tăng sẽ tạo cộng hưởng khiến giá hàng hóa "té nước theo mưa", mà các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đang đối mặt với bài toán khó để cân bằng chi phí, đảm bảo sức cạnh tranh khi mà đầu vào tăng.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 3, giá bán lẻ điện sẽ tăng thêm 143,79 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Cùng với đó, ngay từ đầu tháng này, giá xăng cũng được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 939 đồng/lít, xăng RON95- III tăng 946 đồng/lít, giá các loại dầu tăng 700 – 959 đồng/lít,kg.
Trong phiên điều hành giá ngày 18/3 vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính phải tăng xả quỹ bình ổn để giữ nguyên giá xăng dầu trước áp lực giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
Dẫu vậy, nhiều ý kiến lo ngại xu hướng giá xăng dầu chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng cao trong thời gian tới, nên sẽ khó tránh khỏi việc giá xăng dầu trong nước sẽ tăng trong kỳ điều hành tới.
Việc giá điện tăng 8,36%, giá xăng tăng thêm gần 1.000 đồng/ lít chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hai chỉ số là CPI và GDP: trong khi GDP giảm thì CPI sẽ tăng.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2019, giá cả thị trường Việt Nam tiếp tục gắn kết ngày càng chặt chẽ với biến động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 2 tăng so với tháng 1. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,73%. Trong đó, lương thực tăng 0,53%, thực phẩm tăng 2,13%, góp phần làm CPI chung tăng 0,48%.
![]() |
Giá điện sẽ tăng 8,36% ngay trong tháng 3 |
Chặn "leo thang" giá mặt hàng thiết yếu
Bước sang tháng 3, nhiều yếu tố bất ngờ đã được "lường trước" cũng đang tác động lên lạm phát. Bộ Công Thương tính toán, nếu điều chỉnh giá điện ngay trong tháng 3, CPI có thể tăng khoảng 0,26% – 0,31%.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, con số này trên thực tế có thể trội hơn nhiều lần vì cơ quan quản lý chưa đánh giá tác động của mặt hàng xăng dầu tăng giá. Nguyên nhân là phần lớn đầu vào sản xuất hiện nay là đều từ điện và xăng dầu.
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng giá xăng, điện là tất yếu, tuy nhiên Nhà nước phải có những chính sách chống biện pháp "tát nước theo mưa".
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng trước áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào, để các mặt hàng thiết yếu không "leo thang" cần phải tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, không để mất cân đối trong từng thời kỳ trong năm và làm tốt lưu thông phân phối.
Đặc biệt, trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới, người dân được nghỉ dài ngày, nhu cầu đi lại, các dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tăng nên giá các nhóm hàng này có thể tăng.
Ts. Đặng Đức Anh, Trưởng ban phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, cho hay để có được con số định lượng chính xác về mức tăng chỉ số lạm phát là điều rất khó khăn, bởi khi một mặt hàng như giá điện tăng thì sẽ kéo theo các chi phí khác tăng theo.
Những tháng đầu năm 2019, nhiều yếu tố tác động đến CPI như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch khung, giá điện tăng vào cuối tháng 3, giá xăng dầu thế giới từ tháng 12/2018 cũng bắt đầu tăng với mức tăng khá cao và là mặt hàng rất khó đoán định được sự lên xuống giá.
Do đó, ông Đặng Đức Anh cho rằng việc điều hành giá cần thận trọng và tính toán nhiều yếu tố, tránh việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu nhằm bình ổn giá, nhất là thời điểm các dịp lễ tết.
Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng chung, hạn chế tác động của chi phí đẩy ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.
Thanh Hoa