Trong báo cáo tài chính mới đây, CTCP Vĩnh Hoàn cho biết, đã hoàn tất thâu tóm Công ty Xuất Nhập khẩu Sa Giang (SGC), với tỷ lệ sở hữu gần 51,3% (tính đến tháng 2/2021).
M&A để chiếm thị phần
SGC là một trong những công ty sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu tại Việt Nam với thị phần trong nước hiện ở mức 80%. Bánh phồng tôm đang là sản phẩm chủ lực đóng góp 83% doanh thu của công ty, trong khi các sản phẩm từ gạo chiếm 16%. Đáng chú ý, có tới 47% doanh thu của SGC đến từ thị trường châu Âu.
![]() |
Sức ép cạnh tranh từ thực phẩm ngoại đòi hỏi khối nội cần liên kết mạnh hơn, kể cả trong hoạt động M&A. |
SGC hiện có 3 nhà máy sản xuất bánh phồng tôm tại Đồng Tháp - cũng là địa điểm mà Vĩnh Hoàn đặt cơ sở sản xuất chính, và 1 nhà máy sản xuất thực phẩm làm từ gạo tại Tp.HCM.
Ngoài việc mở rộng vào thị trường bánh phồng tôm, động thái thâu tóm này được cho là sẽ giúp Vĩnh Hoàn hỗ trợ các sản phẩm phi lê cá tra của công ty thâm nhập tốt hơn đến các kênh bán lẻ tại thị trường nước ngoài, thông qua tận dụng mạng lưới phân phối hiện hữu của SGC.
Cách đây 2 tháng, Công ty Vĩnh Hoàn cũng đã mở rộng lĩnh vực đầu tư sang nông sản thực phẩm thông qua việc nắm 70% vốn điều lệ của Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc (TNG Foods) chuyên sản xuất nước ép từ rau quả và chế biến rau quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Công ty Vĩnh Hoàn thâu tóm SGC và nắm 70% vốn tại TNG Foods là một cách để một DN lớn của khối nội gia tăng sức cạnh tranh với khối ngoại ở mảng thực phẩm trên “sân nhà” và thị trường quốc tế.
Theo giới chuyên gia, việc thâu tóm là cách nhanh nhất để DN chiếm lĩnh thị phần trên thị trường thực phẩm. Đặc biệt là khi thời gian qua đã chứng kiến không ít hoạt động M&A của khối ngoại.
Đó là lý do mà khối nội cần phải mạnh lên (như hoạt động thâu tóm) nhằm có thể so kè với khối ngoại, nhất là trước bối cảnh cạnh tranh trong mảng thực phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng trở nên gay gắt.
Trao đổi với VnBusines, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, trong nền kinh tế không tránh khỏi những cuộc thâu tóm, sáp nhập DN, giải thể, thanh lý và bán lại. Với ngành thực phẩm trong nước cũng vậy, nhất là có những DN nội địa đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải cần “hà hơi tiếp sức” từ những nhà đầu tư mới thì mới có thể trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.
Liên kết từ sản xuất đến phân phối
Trong buổi làm việc với Hiệp hội DN Tp.HCM vừa qua, bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Bột Mì (Vikybomi) lưu ý, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thì cũng cần tránh nguy cơ bị DN nước ngoài thâu tóm. Điều đó nhằm bảo vệ các sản phẩm thực phẩm truyền thống của các công ty sản xuất những sản phẩm này.
Xét về áp lực cạnh tranh, liên hệ cụ thể như DN mình, bà Chi nhận định, đối thủ chính vẫn là các DN từ Thái Lan, nhất là các DN có cùng dòng sản phẩm làm từ bột mì.
Trên thực tế, tình trạng DN thực phẩm Thái bắt tay với hệ thống phân phối của Thái Lan tại Việt Nam để chiếm lĩnh thị phần ở thị trường bán lẻ Việt vẫn là nỗi lo thường trực của các DN thực phẩm trong nước. Đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, Central Group, TCC Group, BJC là những cái tên nổi bật nhất đến từ Thái Lan, đang nắm giữ những chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất tại thị trường bán lẻ Việt.
Như hồi tháng 12 năm ngoái, MM Mega Market - một thành viên của Tập đoàn BJC (Thái Lan), đã mở mô hình kinh doanh mới với trung tâm phân phối và bán sỉ thực phẩm tại quận Thủ Đức (Tp.HCM) với gần 6.500 mặt hàng, chủ yếu là nông sản, thực phẩm.
Cần lưu ý thêm là năm vừa rồi, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, DN Thái Lan vẫn liên tiếp rót vốn thông qua hoạt động M&A nhằm tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Và việc mua lại các công ty hàng tiêu dùng, bao gồm cả mạng lưới phân phối để tiếp cận nhanh chóng thị trường vẫn là nỗi lo lớn cho các DN Việt.
Trong vấn đề thâu tóm ở ngành thực phẩm, theo ông Dũng, nếu M&A giữa các DN nội địa tự đến với nhau là rất đỗi bình thường, thậm chí sẽ càng giúp khối nội mạnh lên, nâng sức cạnh tranh tốt hơn dựa trên những DN nội có tiềm lực. Còn với những DN nội gặp khó, bị mua đi bán lại trong vòng tay của khối ngoại thì sẽ là điểm hụt hẫng cho ngành thực phẩm Việt.
Giới chuyên gia dự báo trong các năm tới, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, thị trường M&A ở Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ với sự tăng tốc ở lĩnh vực hàng tiêu dùng thực phẩm. Một số nhà đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cho biết, họ rất quan tâm tới ngành sản xuất hàng thực phẩm và bán lẻ tại Việt Nam và nhắm đến mục tiêu M&A. Bởi đây là ngành có thị trường tiêu thụ lớn, tốc độ tăng trưởng cao.
Cho nên, trước mục tiêu thâu tóm của khối ngoại, để khẳng định vị thế “sân nhà”, không gì khác hơn là khối nội trong ngành thực phẩm cần hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa (kể cả trong hoạt động M&A) để mạnh lên trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến phân phối.
Thế Vinh