Thị trường bất động sản Hà Nội đang ghi nhận đà phục hồi rõ nét ở phân khúc nhà thấp tầng. Theo CBRE, trong quý II/2025, hơn 1.000 căn biệt thự và nhà liền kề đã được tung ra thị trường. Dù giảm so với quý trước, nhưng cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Giá không ngừng tăng
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng nguồn cung biệt thự, nhà liền kề mới trên địa bàn Hà Nội chạm mốc 2.500 căn, tăng gần 9 lần so với nửa đầu năm 2024.
Đáng chú ý, các dự án được mở bán không chỉ tập trung tại khu vực nội đô mà còn trải rộng ra các khu vực vùng ven như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Đan Phượng…, những địa phương đang hưởng lợi từ xu hướng giãn dân và phát triển hạ tầng đô thị.
Nguồn cung được cải thiện sau nhiều năm khan hiếm, nhưng giá bán chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. CBRE cho biết, giá bán sơ cấp biệt thự, liền kề trong quý II tại Hà Nội đạt trung bình khoảng 230 triệu đồng/m² đất (chưa bao gồm VAT, phí bảo trì và chiết khấu), tăng gần 14% so với cùng kỳ.
![]() |
Phân khúc biệt thự, liền kề vẫn hút nhà đầu tư có dòng tiền dài hạn. |
Mức giá bán nhà thấp tầng liên tục leo thang phản ánh sức cầu đầu tư vẫn hiện hữu, đặc biệt ở các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, tiện ích đồng bộ và vị trí thuận lợi.
Cùng với đó, diễn biến trên cũng cho thấy thị trường nhà thấp tầng tại Hà Nội đang có sự dịch chuyển cả về quy mô lẫn kỳ vọng lợi nhuận. Nhà đầu tư không chỉ săn lùng sản phẩm tại trung tâm mà bắt đầu “ly tâm” ra các khu vực ven đô, nơi quỹ đất còn dồi dào và hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư.
Chứng kiến đà tăng cả về thanh khoản và giá bán tại phân khúc biệt thự, liền kề, không ít nhà đầu tư có dòng tiền mạnh, tầm nhìn dài hạn bắt đầu rục rịch trở lại các điểm nóng tiềm năng.
Đơn cử, từ đầu năm 2025 đến nay, khi bộ 3 luật liên quan bất động sản bắt đầu thẩm thấu, cùng những thông tin thị trường nhà đất bắt đầu vào chu kỳ mới, anh Phạm Tuấn, một nhà đầu tư chuyên biệt thự tại Hà Nội, rục rịch trở lại các điểm nóng.
Mới nhất, vào đầu tháng 7, anh Tuấn liên hệ với môi giới để tìm hiểu một dự án biệt thự đơn lập, quy mô gần 170 căn, tại xã Hoài Đức (mới). Diện tích các căn phổ biến khoảng 275 - 315 m2, gồm 3 tầng nổi, mặt tiền 17,5 m, giá bình quân trong khoảng 38 - 71 tỷ đồng.
Một căn biệt thự diện tích 315 m2 nằm trong dự án này đang được rao bán cắt lỗ sâu 4,5 tỷ đồng vì chủ nhà gặp khó khăn về tài chính. “Nhưng khi tôi đến, chủ cũ nói mức giá trên đã cũ, hiện tại nếu có thiện chí mua, chủ nhà sẽ giảm từ 38 tỷ đồng xuống còn 37 tỷ đồng, tương đương hơn 117 triệu đồng/m2”, anh Tuấn chia sẻ với VnBusiness.
“Tay to” không ngại vung tiền
Không chỉ ở Hoài Đức, khảo sát cho thấy giá bán biệt thự ở hầu hết khu vực vùng ven Hà Nội đều đang ghi nhận đà tăng giá bình quân 7 - 25% trong hơn 1 năm qua. Thậm chí, ở một số khu vực, môi giới hoạt động mạnh, còn xuất hiện tình trạng sốt cục bộ.
Điển hình như tại Hà Đông, anh Lâm, một môi giới “thổ địa” ở phân khúc nhà liền thổ, cho hay các sản phẩm biệt thự trong tầm giá 30 - 40 tỷ đồng khu vực này đang được quan tâm rất lớn. Có dự án mới tung ra hơn 100 căn, chỉ trong ngày đã có hàng chục căn được khách đặt cọc.
“Giá biệt thự tại Hà Đông hiện có giá bình quân trên dưới 150 triệu đồng/m2, không hề rẻ. Nhưng nếu so sánh với các khu vực lân cận như Mỹ Đình thì Hà Đông vẫn còn nhiều dư địa để đầu tư, vì còn thấp hơn khoảng 20-35%”, anh Lâm phân tích.
Sự trở lại của các nhà đầu tư với dòng tiền mạnh đang giúp thanh khoản thị trường biệt thự, liền kề tại Hà Nội được cải thiện đáng kể. Theo Avison Young, mặt bằng giá bán phân khúc này tăng nhẹ theo tháng, dao động 7.700-13.460 USD/m2 (khoảng 200-350 triệu đồng).
Thậm chí, một số dự án cao cấp nằm ở trung tâm vượt mốc 15.400 USD/m2 (khoảng 400 triệu đồng). Đáng chú ý, tỷ lệ hấp thụ các dự án duy trì ở mức ổn định, trung bình 60-70% đến từ nhóm khách hàng trung - thượng lưu và một bộ phận nhà đầu tư.
Có thể thấy, phân khúc biệt thự liền kề đang trên lộ trình phục hồi tốt khi không ít nhà đầu tư vẫn không ngại vung tiền mua gom. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo các nhà đầu tư mới muốn nhảy vào cuộc đua tại phân khúc này.
Một điều dễ thấy là phân khúc biệt thự có giá trị tài sản lớn, trong bối cảnh niềm tin nhà đầu tư chưa thực sự trở lại, việc thanh khoản sớm là việc rất khó. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần đảm bảo dòng tiền dài hạn, từ 5-10 năm, tuyệt đối không dùng đòn bẩy tài chính.
“Thị trường đang dần tan băng, các nhà đầu tư đang đi săn nhà với tần suất dày hơn, tuy nhiên, cũng không ít khu vực xuất hiện tình trạng các sàn, hay giới đầu cơ chủ động mua qua bán lại nhằm tạo sóng, đẩy giá lên cao. Trước những cơn sóng ảo này, nếu nhà đầu tư không thận trọng rất dễ bị cuốn vào, dẫn đến chôn vốn dài hạn”, một chuyên gia khuyến cáo.
Hưng Nguyên