Cuối tháng 6/2025, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng chứng kiến cột mốc quan trọng khi dự án Khu phức hợp và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân có quy mô vốn đầu tư gần 44.000 tỷ đồng, tổng diện tích 512 ha, chính thức khởi công sau thời gian dài chuẩn bị.
Sôi động đường đua
Nằm tại phường Hòa Hiệp Bắc, TP. Đà Nẵng, các hạng mục đầu tiên của dự án Làng Vân dự kiến đi vào vận hành từ năm 2027, góp phần đưa khu vực Tây Bắc Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng mới về du lịch – nghỉ dưỡng.
Không chỉ Đà Nẵng, miền Trung còn ghi dấu bước tiến ấn tượng tại tỉnh Bình Định. Trong tháng 6/2025, chính quyền địa phương đã có buổi làm việc với Tập đoàn Palmer Johnson và Quỹ đầu tư Finance Suisse (Thụy Sĩ) về kế hoạch triển khai dự án nghỉ dưỡng tại khu vực Đề Gi - Vũng Bồi.
Theo tìm hiểu, dự án của ông lớn đến từ châu Âu sẽ là tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn lên đến 5.200 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,6 tỷ USD – một trong những dự án nghỉ dưỡng có quy mô đầu tư “khủng” nhất tại khu vực duyên hải miền Trung tính đến thời điểm hiện tại.
![]() |
Bất động sản nghỉ dưỡng nhiều kỳ vọng nhưng cũng lắm thách thức trong quá trình phục hồi. |
Trong khi đó, tại phía Bắc, Quảng Ninh đang tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu phát triển du lịch biển với dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn.
Giữa tháng 6/2025, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Hải Đăng – thành viên HDMon Holdings – đã được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Dự án có diện tích quy hoạch lên đến 299,6 ha, trong đó có 20,1 ha mặt biển, tổng vốn đầu tư hơn 25.100 tỷ đồng.
Không đứng ngoài “cuộc đua nghỉ dưỡng”, Alphanam Group vừa chính thức giới thiệu dự án khách sạn Courtyard by Marriott Danang Han River, đánh dấu lần đầu tiên thương hiệu quốc tế này hiện diện tại Đà Nẵng cũng như tại Việt Nam. Dự án có quy mô 300 phòng nghỉ cao cấp, hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Minh Thông – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Foodinco (thành viên Alphanam Group) – nhìn nhận sự xuất hiện của thương hiệu Marriott là bước đi chiến lược trong việc nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ du lịch của Đà Nẵng.
Nhiều chướng ngại vật
Không thể phủ nhận việc hàng loạt “siêu dự án” tái khởi động tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đồng thời phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào triển vọng trung và dài hạn của ngành du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình thức giấc của bất động sản nghỉ dưỡng sau giấc ngủ dài sẽ còn phải đối diện với không ít thách thức. Trước hết, việc lấy lại lòng tin từ nhà đầu tư và khách hàng sau một giai đoạn dài thị trường “đổ vỡ” cam kết lợi nhuận là bài toán vô cùng hóc búa.
Thực tế cho thấy, từ sau giai đoạn 2019 đến nay, hàng loạt dự án condotel rơi vào tình trạng không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận, cùng với những lùm xùm pháp lý về quyền sở hữu, khiến nhiều nhà đầu tư lâm cảnh “mắc kẹt” với tài sản không sinh lời, khó thanh khoản.
Ông Trần Minh Khang, một nhà đầu tư cá nhân đến từ Hà Nội, là trường hợp điển hình. Năm 2019, ông mua hai căn condotel tại khu vực Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) theo hình thức “đầu tư 0 đồng” – tức vay 100% giá trị sản phẩm, được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất 0% năm đầu và cam kết lợi nhuận lên tới 11%/năm.
Thế nhưng, sau khi đại dịch ập đến, mọi tính toán tài chính đổ vỡ. Chủ đầu tư tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận như cam kết, trong khi tỷ lệ khai thác thực tế của các căn hộ chỉ dao động từ 15–30%, không đủ để bù đắp chi phí vận hành và gánh nặng lãi vay ngân hàng.
“Đầu tháng 6/2024, tôi buộc phải bán lỗ một căn với mức thiệt hại gần 500 triệu đồng. Căn còn lại rao bán mấy tháng rồi vẫn chưa có ai hỏi. Người mua giờ ngại dính đến condotel hay các loại hình nghỉ dưỡng lắm”, ông Khang chia sẻ với VnBusiness.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng đưa ra bức tranh u ám về thanh khoản của phân khúc nghỉ dưỡng. Theo báo cáo quý I/2025 của BHS Group, cả hai dòng sản phẩm chủ lực – condotel và biệt thự nghỉ dưỡng – đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ dưới 30%.
So với giai đoạn 2017–2018, khi thị trường từng ghi nhận hàng chục nghìn sản phẩm nghỉ dưỡng được giao dịch mỗi năm, con số hiện tại cho thấy sự “đóng băng” kéo dài của phân khúc từng được coi là ngôi sao sáng trong danh mục đầu tư bất động sản.
Thực tế cũng chỉ ra, dòng sản phẩm nghỉ dưỡng hiện chủ yếu thu hút nhóm khách hàng cá nhân có tài chính dư dả, mua để sử dụng làm nơi nghỉ ngơi hơn là đầu tư sinh lời. Đây là nhóm khách hàng hẹp và không đủ tạo lực cầu mạnh như giai đoạn “vàng son” trước đây.
Có thể nói, trên bề mặt, thị trường đang chứng kiến sự trở lại của một số dự án tỷ đô – tín hiệu tích cực từ phía các “ông lớn” địa ốc. Tuy nhiên, phía dưới là tầng lớp nhà đầu tư cá nhân vẫn đang loay hoay trong vòng xoáy mất niềm tin, tài sản kém thanh khoản và nợ ngân hàng chưa trả hết.
Tái thiết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi những bước đi quyết liệt về chính sách, như khung pháp lý rõ ràng cho các sản phẩm condotel, cơ chế giám sát cam kết tài chính của chủ đầu tư, và đặc biệt, các giải pháp tài chính – tín dụng linh hoạt để hỗ trợ cả bên bán lẫn bên mua…
Ngược lại, nếu không có những chính sách đủ mạnh, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hoàn toàn có thể tiếp tục lún sâu trong chu kỳ trầm lắng, và những kỳ vọng hồi phục chỉ còn là ánh sáng mờ dần ở cuối đường hầm.
Hưng Nguyên