Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, kiều hối chuyển về TP HCM qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế trong quý II/2025 đạt gần 2,82 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung nửa đầu năm nay, bà Trần Thị Ngọc Liên, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 cho biết, kiều hối từ thị trường châu Phi có tốc độ tăng trưởng cao nhất (hơn 120%), tiếp theo là châu Âu (16%), châu Mỹ (12%) và châu Đại Dương (gần 9%)...
Châu Á tiếp tục là thị trường chiếm tỷ trọng lớn và áp đảo, có thể nhờ vào đóng góp từ các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Hằng năm, TP HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.
![]() |
Hơn 5,2 tỷ USD kiều hối chảy về TP HCM trong nửa đầu năm nay. |
Trước đó, năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP HCM đạt khoảng 9,6 tỷ USD, tăng thêm khoảng 140 triệu USD so với năm 2023.
Ngoài TP HCM, một số tỉnh trong khu vực trước khi sáp nhập về địa bàn quản lý của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 (từ 1/7/2025) cũng ghi nhận lượng kiều hối đáng kể chuyển qua tổ chức tín dụng. Cụ thể, tổng lượng kiều hối về Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Bình Phước tính đến ngày 30/6 đạt hơn 127,5 triệu USD.
Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với hơn 53,2 triệu USD, tiếp đến là Đồng Nai (42,3 triệu USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (27,2 triệu USD) và Bình Phước (4,6 triệu USD).
Như vậy, với địa bàn mở rộng, lượng kiều hối chuyển về TP HCM (mới) ước đạt hơn 5,3 tỷ USD. Đây là con số có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh thị trường ngoại hối còn nhiều áp lực. Đáng chú ý, con số này nhỉnh hơn so với tổng thu hút vốn FDI của TP HCM (đạt hơn 5,2 tỷ USD). Còn nếu so sánh với TP HCM (cũ) thì lượng kiều hối cao gấp 2 lần so với lượng FDI đăng ký vào thành phố (6 tháng đạt hơn 2,7 tỷ USD).
Có thể thấy, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng, trong đó có đóng góp không nhỏ của lao động Việt ở nước ngoài. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), cho biết dòng kiều hối ổn định là kết quả của đà tăng lao động xuất ngoại trong những năm gần đây. Năm 2024, các doanh nghiệp và đơn vị phái cử đã đưa hơn 158.000 người ra nước ngoài làm việc, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 15%. Trong 6 tháng đầu năm 2025, hơn 74.000 lao động tiếp tục xuất cảnh, đạt 57,5% kế hoạch cả năm.
Thống kê của Cục cho thấy trong 3 năm liên tiếp gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam phái cử khoảng 150.000 lao động sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cùng nhiều nước châu Âu và Trung Đông. Những con số này đều vượt kế hoạch được giao các năm.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 74.691 người. Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lớn nhất với 35.240 lao động, tiếp đến là Đài Loan với 28.206 lao động, Hàn Quốc với 5.650 lao động. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp nhận 1.478 lao động, Singapore 1.100 lao động, Rumani 400 lao động và Hungary 572 lao động, cho thấy các thị trường mới tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực.
Cơ quan chức năng cũng ghi nhận, lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, gửi tiền về nước thường xuyên, nhất là tại những thị trường truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Để duy trì đà tăng trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước đặt mục tiêu tiếp tục bám sát nhu cầu thị trường, hoàn thiện cơ chế bảo hộ công dân, nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo ngoại ngữ, tay nghề cho lao động trước khi xuất cảnh. Các đơn vị phái cử được yêu cầu kiểm soát chặt phí dịch vụ và tăng cường hỗ trợ người lao động trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài.
Theo kế hoạch, ngành lao động đặt mục tiêu phái cử tối thiểu 500.000 người ra nước ngoài làm việc giai đoạn 2026‑2030; mọi thủ tục dự kiến sẽ được chuyển sang dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, đồng thời bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả.
Đáng chú ý, việc dòng tiền kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều qua các giai đoạn không chỉ hỗ trợ người dân cải thiện thu nhập, mà còn giúp tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế còn nhiều ẩn số thách thức, dòng kiều hối chuyển về ổn định đã giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, hỗ trợ cân bằng cán cân thương mại và cán cân thanh toán, giảm sức ép lên tỷ giá.
Thanh Hoa