Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước, trong đó: 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 7 nhóm có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có mức tăng cao nhất với 0,22%. Quý IV/2021, CPI giảm 0,38% so với quý trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020.
![]() |
Việc kiểm soát lạm phát được dự báo sẽ căng thẳng hơn trong năm 2022. |
Bình quân năm 2021 CPI tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho hay năm 2021, để hỗ trợ người dân, Nhà nước đã giảm giá một số mặt hàng như điện, nước, học phí... Đồng thời, sức mua giảm nên chỉ số CPI, lạm phát ở mức thấp.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2022 sẽ rất lớn. Áp lực lạm phát 2022 sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Khi dịch bệnh kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh mẽ, áp lực lạm phát của Việt Nam diễn ra ở cả phía cung lẫn cầu, vì kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với kinh tế trong khu vực và thế giới.
Khi giá nguyên nhiên liệu thế giới tăng cao, lúc đó tác động chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm và đẩy giá hàng hoá tiêu dùng lên cao.
Thời gian qua, đại dịch cũng gây ra đứt gãy sản xuất, lưu thông. Nền kinh tế phục hồi, nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi ngay lập tức như trước khi có đại dịch, điều này khiến nguồn cung phục vụ nền kinh tế thiếu hụt, đẩy giá hàng hoá lên cao.
Ngoài ra, thiếu hụt lao động do COVID-19 sẽ gây áp lực lớn tới phục hồi của nền kinh tế. Để có lao động làm việc, doanh nghiệp phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo, tuyển dụng lao động... Điều này tiếp tục đẩy giá hàng hoá lên cao...
Để kiềm chế lạm phát, Tổng cục Thống kê đề xuất theo dõi diễn biến giá cả, lạm phát của Việt Nam, đánh giá nguyên liệu nào có thể thiếu hụt trong thời gian tới, từ đó đưa ra chính sách phù hợp.
"Bộ Công Thương cần có kế hoạch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn cung hàng hoá, loại bỏ thông tin sai lệch về thị trường, không để xảy ra lạm phát do tâm lý. Với mặt hàng xăng dầu, Bộ cần theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, kết hợp sử dụng quỹ bình ổn linh hoạt để điều chỉnh", bà Oanh cho biết.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần ký hợp đồng dài hạn để nhập khẩu nguyên vật liệu. Theo Tổng cục Thống kê, giá nhiên nguyên vật liệu của thế giới có thể tiếp tục tăng cao, nên doanh nghiệp cần nhanh chóng ổn định đầu vào, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Về việc triển khai gói kích thích kinh tế trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng phải triển khai đồng bộ với gói tài khoá tiền tệ, quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch điều kiện vay vốn của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện tốt, áp lực lạm phát tăng cao sẽ hiện hữu.
Bà Oanh phân tích: Tăng trưởng tín dụng vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế phục hồi nhưng cần kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, từ đó đảm bảo kiểm soát lạm phát năm 2022.
Thy Lê