![]() |
VABA đề xuất Vietjet Air và Bamboo Airways được vay ưu đãi 4.000 - 5.000 tỷ đồng. (Ảnh: Int) |
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp các đề xuất của các doanh nghiệp hàng không về giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo VABA, ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD. Dự kiến phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.
Tại Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019, doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không. Vì vậy, để hỗ trợ cho dòng tiền của các hãng, VABA đề xuất mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.
Đáng lưu ý, VABA cho biết, kết thúc năm 2020, Vietjet và Bamboo Airways đều báo có lãi. Theo báo cáo tài chính của Vietjet, tính cả năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỷ đồng, là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2022.
Trong khi đó, Bamboo Airways cho biết, lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 của hãng hàng không này ước khoảng hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước...
Tuy nhiên, theo VABA, riêng hoạt động kinh doanh vận tải hàng không của các hãng đều lỗ, với mức lỗ trên 18.000 tỷ đồng, nên cần Chính phủ hỗ trợ.
Trong đó, Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ.
Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Ngoài ra, VABA tiếp tục đề xuất giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900 - 1.000 đồng/lít, đồng thời gia hạn thời hạn nộp nhiều loại thuế như gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập DN; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân; thuế nhà thầu nước ngoài; tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết 31/12/2021…
Trước đó, hiệp hội này cũng có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất có gói tài chính ưu đãi khoảng 25 - 27 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp hàng không vay.
Riêng Vietnam Airlines đã được hỗ trợ gói tín dụng 4.000 tỷ đồng và khoản tín dụng này đã có tác động tốt tới hoạt động của Tổng công ty. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không.
TH