Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Do dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao, trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.
“Thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung lớn và cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Giá xuất khẩu gạo nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp và khó phục hồi rõ rệt, do tồn kho tại nhiều nước nhập khẩu vẫn ở mức cao” – ông Đỗ Hà Nam nhận định.
![]() |
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2025 là 5,7 tỷ USD, ngành gạo Việt Nam cần có các giải pháp căn cơ. |
Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, trong tuần qua giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết không có sự biến động. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục trầm lắng, nhu cầu vẫn yếu khiến giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ.
Giá lúa khô loại IR 50404 ở Cần Thơ là 7.900 đồng/kg, Vĩnh Long duy trì ở mức 6.600 đồng/kg; Đồng Tháp là 6.600 đồng/kg...Với OM 18, tại Cần Thơ là 7.400 đồng/kg; Đồng Tháp là 7.000 đồng/kg,… Với lúa IR 5451, tại Cần Thơ là 6.800 đồng/kg; Vĩnh Long là 6.900 đồng/kg… Với lúa Jasmine, tại Cần Thơ là 8.400 đồng/kg; Đồng Tháp là 7.000 đồng/kg. ST 25 tại Cần Thơ vẫn là 9.500 đồng/kg…
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, giá một số loại lúa tươi được thương lái thu mua như: lúa IR 50404 ở mức từ 5.700 - 5.800 đồng/kg; lúa OM 380 từ 5.700 - 5.900 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động mốc 5.900 - 6.000 đồng/kg; OM 18 và Nàng hoa từ 6.000 – 6.200 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 14.500 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 – 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…
Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 7.600 – 7.700 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500 – 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.700 – 7.800 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở mức 8.800 - 9.000 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 7.000 – 9.000 đồng/kg. Giá cám khô ở mức 8.000 –9.000 đồng/kg.
Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 377 USD/tấn. Trong khi đó, mức giá một tuần trước là 382 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhu cầu từ Philippines và châu Phi vẫn ổn định. Hiện tại, vụ thu hoạch Hè Thu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm.
Thị trường gạo châu Á, giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm do nhu cầu yếu và nguồn cung dư thừa. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 377-382 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022, giảm so với mức từ 380-385 USD/tấn của tuần trước. Còn giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ tuần này ở mức 373-378 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại New Delhi cho biết tất cả các nước sản xuất gạo từ Thái Lan, Việt Nam, đến Ấn Độ đều muốn bán lượng hàng tồn kho dư thừa của mình, vì vậy người mua đang cố gắng đàm phán để có giá thấp hơn.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức từ 380-385 USD/tấn, so với mức 380 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho biết biên độ giá đã tăng nhẹ trong tuần do chi phí sản xuất trong nước tăng trong khi nhu cầu quốc tế vẫn trầm lắng.
Dự kiến nguồn cung mới sẽ được bổ sung vào thị trường trong cuối tháng này và đầu tháng sau. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết nhiều người mua đang chờ đợi vụ mùa mới, điều này có thể đẩy giá xuống.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 5,7 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2024, trong đó 6 tháng đầu năm cần đạt 2,6 tỷ USD, 6 tháng cuối năm cần đạt 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu xuất khẩu ước tính vào thời điểm tháng 6/2025, khả năng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gạo năm nay có thể sụt giảm hơn so với mục tiêu đặt ra, ước tính chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Các chuyên gia nhận định, để đạt mục tiêu cả năm, ngành gạo Việt Nam cần tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống có thị phần lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia để giữ thị trường; đồng thời cần tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm áp lực thuế.
“Hiệp hội và các DN nghiên cứu chuyển dịch mạnh sang các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (đối với các sản phẩm chế biến như bún, mì, nui, phở); đồng thời tìm giải pháp giảm chi phí logistic để mở rộng sang các thị trường tiềm năng Ghana, Bờ Biển Ngà và UAE với chủng loại gạo thơm và gạo trắng” - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam nói thêm.
Hồng Hương