Tại Nghị trường Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngày 30/5, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) đánh giá việc điều chỉnh tăng giá điện đã được tính toán và có lộ trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ phải sớm công bố kết luận thanh tra giá điện vừa qua thế nào, có đúng quy định không, nếu sai xử lý thế nào để cử tri và nhân dân cả nước biết.
Mặt khác, khi tăng giá điện kéo theo việc tăng giá mặt hàng, nhất là vật tư nguyên liệu sản xuất, do vậy Chính phủ cần theo dõi sát biến động thị trường, giám sát hoạt động kê khai giá của DN, tránh hoạt động "té nước theo mưa".
Nơi búc xúc, nơi thiếu điện
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), cho rằng từ thuở khai sinh ngành điện nước nhà, giá điện luôn tuân thủ một quy trình bất biến tăng, tăng nữa và tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều mà họ cần là sự minh bạch và hợp lý.
Ấy vậy nhưng kỳ tăng giá điện vừa qua có rất nhiều mập mờ, cần làm rõ. Theo đại biểu Cương, có một việc rất đáng so sánh là một số nước nắng nóng, họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn nhưng chẳng thấy ai so sánh.
"Cứ bảo tăng giá điện các bên đều được lợi nhưng thực tế người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy mà răng chẳng còn", đại biểu Cương nhận xét.
Đại biểu Cương cho rằng lần nào tăng giá điện cũng nói có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư ngành điện nhưng một DN độc quyền, luôn lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không. Chưa kể, lộ trình thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có được tiếp tục nữa hay không khi một số dự án triển khai đang chậm tiến độ, thất thoát là tất yếu.
Vì vậy, Đại biểu Cương cho rằng cần sớm công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về điều tra việc tăng giá điện vừa qua để làm sáng tỏ những vấn đề trên.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang), đánh giá rằng Bộ Công Thương đã có tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục với rất nhiều con số lập luận để khẳng định Bộ làm đúng. Tuy nhiên, từ góc độ một bác sỹ, ông Hiếu nói dù phác đồ đúng mà bệnh nhân của mình không tốt lên thì vẫn phải xem xét, nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai sai ở mắt xích nào đấy, lúc này phải dừng lại suy xét, không bảo thủ, duy ý chí, che đậy sai lầm.
Ông Hiếu cho rằng khi rất nhiều người dân bức xúc, Bộ Công Thương cần nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền thời gian qua trong việc điều hành giá điện, xăng dầu.
"Phải chăng nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong truyền tải, mua bán điện", ông Hiếu đánh giá.
Ở chiều ngược lại, một số đại biểu cho rằng trong lúc dư luận đang trong cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện tăng giá điện, ở khu vực miền núi, hải đảo, nhiều người dân vẫn nằm ngoài cuộc.
Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa), phản ánh trong khi đa số công dân cả nước đã và đang hưởng thụ thành quả từ cách mạng công nghiệp 4.0 thì còn hơn 1.400 thôn bản chưa có điện, người dân nơi đây còn bên lề cuộc thảo luận sôi động tăng giá điện. Bao giờ họ có thể tiếp cận điện lưới khi tỷ lệ dân trí còn cách xa phần còn lại.
Đại biểu Bế Minh Đức, đoàn Cao Bằng, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện công trình cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo. Hiện nay, việc cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo vẫn chậm so với yêu cầu. Như tại tỉnh Cao Bằng, 10% số hộ của tỉnh chưa có điện lưới. Đặc biệt, ở những huyện miền núi như Bảo Lạc, Bảo Lâm, hơn 45% số hộ tại đây chưa có điện.
![]() |
Đại biểu Quốc hội cho rằng việc tăng giá điện vừa qua có rất nhiều mập mờ, cần làm rõ |
Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng
Bên cạnh những vấn đề gây bức xúc dư luận như giá điện, câu chuyện thất thoát vốn nhà nước khi CPH DNNN, các vụ án kinh tế… cũng được các đại biểu đặt ra.
Qua theo dõi, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông), đánh giá số lượng doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá "chậm dần đều" qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra. Ví dụ, 64 DN phải CPH trong năm 2018 thì chỉ có 12 DN hoàn thành (đạt 17%), 35 DN đề nghị huyển sang năm 2019, 12 DN chuyển sang 2020 và 6 DN không rõ thời gian hoàn thành.
Ông Giang nhận xét còn có nguyên nhân chủ quan là kỷ luật thực thi pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành chưa tích cực.
"Còn lợi ích nhóm trong CPH, thoái vốn, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời", ông nhấn mạnh và dẫn chứng trường hợp sai phạm trong cổ phần hoá tại Cảng Quy Nhơn đã được Thanh tra Chính phủ công bố.
Cách làm trên đã ảnh hưởng tới lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia CPH DNNN. Do vậy, ông Giang cho rằng có hình thức xử lý nghiêm minh với tổ chức cá nhân cố tình trì hoãn không CPH, cũng như các tổ chức cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình CPH.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), đánh giá trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều công trình cấp thiết không đủ vốn đầu tư, những vụ án làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, các cá nhân gây ra tội đồ đáng bị lên án.
"Với hành vi cố ý làm thất thoát tài sản Nhà nước, tử hình vẫn chưa bảo đảm tính răn đe và công bằng bởi vì nếu số tiền đó không bị thất thoát có thể xây dựng công trình hạn chế lũ quét, lũ ống làm giảm đáng kể số người thiệt mạng do thiên tai như thời gian vừa qua", đại biểu chia sẻ.
Thy Lê