![]() |
Vụ Huawei: Cái cớ hay cốt lõi của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? |
Huawei là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Công ty này đóng vai trò chủ đạo trong tham vọng của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài, cũng như trở thành một trung tâm sáng chế đúng nghĩa.
Huawei được thành lập bởi một người từng là sĩ quan của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Không chỉ được chính phủ “bảo vệ”, tập đoàn này còn được Bắc Kinh chăm lo về mặt tài chính.
Huawei chính là tập đoàn được giới lãnh đạo ở Bắc Kinh chọn để đưa quân đội Trung Quốc bước vào kỷ nguyên điện tử. Trong giai đoạn 2005 - 2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cấp cho tập đoàn này một khoản tín dụng lớn đến 35 tỷ USD để tài trợ cho việc chinh phục thị trường quốc tế.
Trung Quốc đã rót hàng trăm tỷ USD vào chiến dịch “Made in China 2025”, với mục đích biến quốc gia này thành “người tiên phong” trong làng công nghệ toàn cầu trên một số lĩnh vực như công nghệ robot, xe hơi chạy điện và chip máy tính. Việc giới thiệu và đưa vào vận hành công nghệ không dây thế hệ thứ 5 (5G), trong đó Huawei nắm vai trò chủ chốt, là ưu tiên số một của Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ cũng không giấu tham vọng kìm hãm sức mạnh của làn sóng công nghệ đến từ Trung Quốc, nhằm duy trì vị thế dẫn đầu của họ. Khát vọng công nghệ của Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại của chính quyền Mỹ trong nhiều năm, đặc biệt là khi các thành quả mà Bắc Kinh đạt được đều bị coi là sự “ăn cắp” trắng trợn công nghệ của Washington.
Tổng thống Donald Trump đã ra sức ngăn cản vấn nạn này. Chính quyền của ông cho biết thuế áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là nỗ lực nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục “ăn cắp” công nghệ từ quốc gia này. Mỹ cũng đã nhắm vào các công ty công nghệ khác có hoạt động kinh doanh với các doanh nghiệp của quốc gia này.
Lê Minh