Đây là thông điệp cứng rắn nhất kể từ khi ông tạm dừng lệnh áp thuế vào tháng 4, mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại với nhiều đối tác. Tuy nhiên, ngoài việc đạt được thỏa thuận với Anh, Việt Nam và một khuôn khổ với Trung Quốc, tiến trình đàm phán với các nước khác đang chững lại. Cũng trong tuần này, ông Trump đã công bố 14 lá thư gửi đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Nam Phi… cảnh báo mức thuế có thể dao động từ 25% đến 40% đối với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Đặc biệt, Việt Nam, một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ tại châu Á, đã đạt được thỏa thuận áp dụng mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu. Đây là mức thấp hơn so với mức 46% từng bị đe dọa hồi tháng 4. Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh các sản phẩm trung chuyển sẽ phải chịu mức thuế cao hơn 40%.
Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chấp nhận mức thuế chung 10% đối với nhiều mặt hàng nhưng đang nỗ lực đàm phán để miễn trừ cho một số lĩnh vực. EU được cho là đang chạy đua để đạt được một thỏa thuận trong tuần này.
Canada đã hủy bỏ kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, vốn gây tranh cãi với các tập đoàn công nghệ Mỹ, và nối lại đàm phán thương mại với mục tiêu đạt được thỏa thuận vào giữa tháng 7.
Cũng vào sáng thứ Tư, ông Trump cho biết sẽ áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, tương đương với thuế đối với nhôm và thép. Ông cũng đề xuất mức thuế cao tới 200% đối với dược phẩm.
![]() |
14 quốc gia nhận được thư áp thuế của Tổng thống Trump. |
Tình hình cụ thể với các đối tác:
Công bố danh sách 14 quốc gia nhận được thư cảnh báo áp thuế vào đầu tuần này. Đây là những quốc gia mà Mỹ cho rằng đang hưởng lợi quá mức từ cán cân thương mại và chưa có động thái tích cực trong đàm phán song phương. Mức thuế dự kiến dao động từ 25% đến 40%, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, xe hơi và tài nguyên chiến lược.
Thuế suất 30%–40%: Đông Nam Á và châu Phi chịu áp lực lớn
Myanmar: Bị đưa vào danh sách áp thuế cao nhất với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là quần áo, đồ da và hải sản. Đây là những mặt hàng có mức lợi nhuận cao từ thị trường Mỹ, nên nguy cơ tổn thất là rất lớn nếu thuế quan được áp dụng.
Lào: Nổi bật với các sản phẩm như giày có mũ dệt, đồ nội thất bằng gỗ, linh kiện điện tử và sợi quang. Với nền sản xuất quy mô nhỏ và phụ thuộc vào xuất khẩu, Lào đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng kim ngạch sang Mỹ.
Campuchia: Hàng dệt may, giày dép và xe đạp là trụ cột xuất khẩu của Campuchia. Việc bị áp thuế cao có thể khiến quốc gia này mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Việt Nam, Bangladesh hay Indonesia.
Thái Lan: Các mặt hàng chủ lực như linh kiện máy tính, sản phẩm cao su và đá quý cũng nằm trong diện bị áp thuế. Phó Thủ tướng Pichai Chunhavajira cho biết, chính phủ Thái Lan đã chủ động nộp đề xuất mới cho phía Mỹ vào Chủ nhật, trong đó cam kết mở cửa thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp Mỹ và tăng nhập khẩu năng lượng, máy bay nhằm đổi lấy sự miễn giảm thuế.
Bangladesh: Với ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, Bangladesh có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nếu không đạt được một thỏa thuận hợp lý. Cố vấn tài chính Salehuddin Ahmed cho biết nước này kỳ vọng đàm phán để cải thiện tình hình, đồng thời bày tỏ lo ngại sẽ bị lép vế so với các đối thủ trong khu vực như Việt Nam và Ấn Độ nếu Mỹ thực thi thuế quan mới.
Serbia: Nước này đối mặt với thuế cao cho các sản phẩm phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin và lốp ô tô – những ngành xuất khẩu đang có xu hướng tăng trưởng mạnh.
Indonesia: Là một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia bị nhắm tới với các mặt hàng như dầu cọ, bơ ca cao và chất bán dẫn – các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao và đóng vai trò quan trọng trong thương mại khu vực.
Bosnia và Herzegovina: Các mặt hàng như vũ khí và đạn dược vốn nhạy cảm về mặt chính trị và an ninh quốc tế nay lại bị đặt thêm áp lực thuế quan từ phía Mỹ.
Nam Phi: Các sản phẩm như bạch kim, kim cương, xe hơi và linh kiện ô tô có thể phải đối mặt với thuế suất 30%–40%. Văn phòng Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố các biện pháp thuế quan của Mỹ đã phản ánh sai lệch bản chất mối quan hệ song phương, nhưng nhấn mạnh Nam Phi sẽ tiếp tục thúc đẩy ngoại giao thương mại dựa trên một khuôn khổ cân bằng và hai bên cùng có lợi. Trước đó, nước này đã đề xuất một khung hợp tác mới từ ngày 20/5.
Thuế suất 25%: Nhật, Hàn, Malaysia tăng tốc đàm phán
Nhật Bản: Đối mặt với mức thuế 25% cho các mặt hàng chủ lực gồm ô tô, phụ tùng và thiết bị điện tử. Thủ tướng Shigeru Ishiba mô tả đây là một động thái "cực kỳ đáng tiếc" nhưng cho rằng việc mức thuế thấp hơn so với đe dọa ban đầu tạo ra cơ hội tiếp tục đàm phán song phương.
Kazakhstan: Xuất khẩu dầu mỏ, urani, hợp kim sắt và bạc sang Mỹ sẽ bị áp thuế 25%, đẩy quốc gia Trung Á này vào thế bị động trong thương mại song phương.
Malaysia: Một trung tâm sản xuất điện tử quan trọng của Đông Nam Á, Malaysia sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu thuế 25% được thực thi. Chính phủ nước này cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ, trong khi Nội các chuẩn bị họp khẩn vào thứ Tư để đánh giá tác động và đưa ra phương án ứng phó.
Hàn Quốc: Các mặt hàng xuất khẩu gồm xe hơi, thiết bị điện tử và máy móc nằm trong diện chịu thuế. Bộ Thương mại Hàn Quốc sáng thứ Ba tuyên bố nước này sẽ thúc đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận trước khi thuế có hiệu lực.
Tunisia: Là quốc gia Bắc Phi với cơ cấu xuất khẩu đa dạng như mỡ động vật, quần áo, trái cây và các loại hạt, Tunisia cũng sẽ chịu mức thuế 25% nếu không có tiến triển trong đàm phán.
Thành An