Phát biểu nhân chuyến công tác tại Brussels hôm 24/10, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook và Giám đốc bảo mật Facebook Erin Egan, đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc cần có quy định bảo vệ công dân Mỹ tương tự như những gì công dân châu Âu đang được hưởng từ Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR).
Ủng hộ khung pháp lý đồng bộ
GDPR bắt đầu có hiệu lực vào tháng 5 vừa qua là một trong những cơ chế bảo mật cá nhân nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Theo đó, công dân EU có quyền yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ và xóa thông tin cá nhân của mình. Quy định này cũng trao quyền cho cơ quan quản lý châu Âu được đưa ra án phạt lên tới 20 triệu euro, hoặc 4% doanh thu hàng năm đối với các công ty vi phạm.
Chính quyền Tổng thống Trump có ý phê phán GDPR là gây cản trở cho thương mại quốc tế, vì áp đặt gánh nặng phi lý lên doanh nghiệp. Trên tờ Financial Times, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross còn viết bài chỉ trích các tiêu chí áp dụng GDPR là “quá mơ hồ” và tốn kém chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong một cuộc họp với bà Vera Jourova - Ủy viên tư pháp EU - tại Brussels vào tuần trước, ông Ross tiếp tục bày tỏ lo ngại GDPR đang tạo ra những khó khăn cho công ty Mỹ và hoạt động thực thi pháp luật của nước này. Nói thì nói vậy, song ông vẫn đề nghị Brussels tư vấn xem nếu nước Mỹ xây dựng luật bảo vệ quyền riêng tư thì nên tham khảo áp dụng GDPR như thế nào.
Về phần mình, các tập đoàn công nghệ Mỹ đã bắt đầu lên tiếng yêu cầu có một chính sách nhất quán toàn liên bang, vì lo ngại nếu để các bang tự ban hành quy định riêng thì khó tránh khỏi sự chồng chéo, vênh lệch và rồi đối tượng “chịu trận” lại chính là doanh nghiệp.
CEO Apple Tim Cook là người rất tích cực tham gia quá trình vận động nêu trên, mặc dù Apple không sử dụng dữ liệu khách hàng để tạo doanh thu nhiều như các đối thủ Facebook hay Google (phân tích thông tin khách hàng để chạy quảng cáo).
Ông Cook không nêu đích danh Facebook hoặc Google trong bài phát biểu của mình trước một nhóm các chuyên gia về bảo mật quyền riêng tư của EU tại Nghị viện châu Âu, nhưng ông ám chỉ hai tập đoàn này là “tổ hợp công nghiệp dữ liệu” đang làm giàu nhờ “kho dữ liệu cá nhân”.
![]() |
GDPR là một trong những cơ chế bảo mật cá nhân nghiêm ngặt nhất trên thế giới |
“Phiên bản Mỹ” cần linh hoạt hơn
Về phía Facebook, khi được hỏi liệu có chắc chắn ủng hộ GDPR “phiên bản Mỹ” hay không, bà Egan đã thẳng thắn trả lời là “có”.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng tại phiên điều trần của ủy ban Thượng viện Mỹ vào tháng trước, lãnh đạo của Amazon, Google, Twitter và Apple đều ít nhiều thể hiện sự e dè nếu Mỹ cứ thế bê nguyên GDPR về áp dụng.
Ông Keith Enright - Giám đốc bảo mật của Google, ước tính nhân viên công ty sẽ mất hàng trăm năm để tuân thủ quy định, đó là chưa kể khái niệm về các loại thông tin nhận dạng cá nhân trong GDPR là quá rộng.
Facebook thì đã và đang ở trong tầm ngắm của cơ quan quản lý EU sau khi để xảy ra bê bối rò rỉ dữ liệu. Ngoài vụ việc dính líu tới Cambridge Analytica, mạng xã hội này đang bị văn phòng bảo vệ dữ liệu Ireland tiến hành điều tra sau một vụ tấn công mạng làm ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người dùng.
Kể từ năm 2016, các công ty của Mỹ được tự do lưu chuyển thông tin cá nhân của các công dân EU qua Đại Tây Dương theo thỏa thuận “Bảo vệ quyền riêng tư” Mỹ - EU dưới thời Tổng thống Mỹ Barrack Obama.
Brussels liên tục phàn nàn chính quyền hiện tại của Tổng thống Donald Trump chậm trễ trong việc bổ nhiệm nhân sự thực thi, như vị trí thanh tra giám sát, song EU cam kết vẫn sẽ duy trì thỏa thuận này.
Hải Châu