![]() |
Một số ngân hàng đã công bố cụ thể phương án giảm lãi suất cho vay. (Ảnh: Int) |
16 ngân hàng thương mại lớn nhất đang chiếm 75% dư nợ toàn hệ thống, đang cho vay khoảng 6,8 triệu tỷ đồng sẽ giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, kéo dài từ 15/7 đến hết năm. Đây là điểm khác biệt so với những đợt giảm trước kia, bởi khi giảm với dư nợ hiện hữu, sẽ có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn.
Loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Thông tin vừa phát đi từ TPBank cho biết sẽ dành khoảng 18.188 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,2%/năm để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, dành gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%. Như vậy, tổng cộng có gần 45 nghìn tỷ đồng tổng dư nợ được hỗ trợ trong đợt này.
Hàng loạt ngân hàng khác như Viet Capital Bank, ACB, MB, Sacombank… cũng vừa thông báo giảm lãi suất cho vay từ 1 – 2%/năm kể từ ngày 15/7.
Trong xu hướng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh cũng không nằm ngoài "cuộc đua" này.
Điển hình, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh (vận tải, hàng không, kho bãi, du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thủy sản). Những khách hàng còn lại cũng được giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm.
Từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Dự kiến BIDV dành 3.600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới để hỗ trợ khách hàng trong dịp này. Như vậy, tổng nguồn lực BIDV dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 lên tới 6.100 tỷ đồng.
Agribank thông báo sẽ giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Cần chính sách rõ ràng
Trên thực tế, dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất các khoản vay đang là gánh nặng với rất nhiều người. Vì vậy, giảm lãi suất cho những khoản vay hiện hữu là điều mà các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mong mỏi và vui mừng.
Chủ một doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội cho hay, hiện nay doanh nghiệp còn dư nợ 5 tỷ đồng ở ngân hàng. Từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất tốt lên, đơn hàng về nhiều, nên khoản nợ vẫn được công ty duy trì trả đều đặn. “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi muốn đầu tư mua thêm máy móc để tăng cường sản xuất, nhưng vì lãi suất vẫn còn khá cao nên không dám vay. Tuy nhiên, mới đây khi nghe thông tin ngân hàng giảm 2% lãi suất cho vay mới, chúng tôi rất vui mừng và đang chuẩn bị hồ sơ để vay thêm vốn”, vị giám đốc này cho hay.
Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội lại vui mừng vì ngân hàng vừa thông báo giảm 1% lãi suất cho vay hiện hữu. Trước đây doanh nghiệp này được cấp hạn mức vay 10 tỷ đồng, rút lúc nào cũng được. Tuy nhiên, thời gian qua do ngân hàng cạn room nên chỉ giải quyết một phần nhu cầu, không phải đăng ký là được, nhất là ở cuối quý. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Đến nay, ngân hàng được nới room tăng trưởng chúng tôi không còn phải "thấp thỏm", hơn nữa ngân hàng này cũng vừa thông báo giảm 1 điểm % lãi vay đối với các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp. Như vậy, đúng là niềm vui nhân đôi giữa mùa dịch", vị giám đốc doanh nghiệp nói.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn cho rằng động thái đồng thuận giảm lãi suất cho vay của các thành viên Hiệp hội ngân hàng thời điểm này là tín hiệu tích cực với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần chính sách rõ ràng để những cam kết của ngân hàng thương mại là đến được với doanh nghiệp khó khăn, đang cần sự hỗ trợ thực chất.
Ngân hàng dù đã phát đi thông báo giảm lãi suất với các khoản dư nợ hiện hữu hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cụ thể như thế nào, doanh nghiệp có phải đáp ứng điều kiện gì không hay cứ nằm trong nhóm đối tượng giảm lãi suất lần này là được vay – những vấn đề này các doanh nghiệp vẫn chưa nắm được. Cho dù thế nào, các doanh nghiệp vẫn hy vọng, lần giảm lãi suất cho vay này sẽ đến được "địa chỉ" rõ ràng chứ không chỉ là lời hô hào trên giấy. Bởi ở thời điểm này, với doanh nghiệp giảm 1% lãi suất cũng rất quý giá.
Huyền Anh